Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Kiên Giang

Lê Minh Khuê là nhà văn thuộc thế hệ những tác giả bắt đầu sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Với tài năng và sự tìm tòi, khám phá của mình, bà sớm gặt hái được nhiều thành công về mảng đề tài là cuộc sống chiến đấu của những thanh niên xung phong và bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn. “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Lê Minh Khuê. Nhân vật chính trong tác phẩm – Phương Định – là nhân vật giành được nhiều sự yêu mến, cảm phục của người đọc bởi vẻ đẹp ngoại hình, tâm hồn và sự dũng cảm, ngoan cường, bình tĩnh ung dung trước hiểm nguy.

Phương Định gây cảm tình đầu tiên cho người đọc bởi vẻ trẻ trung, xinh đẹp của một cô gái mới lớn. Cô là người nhạy cảm và luôn quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Cón mắt tôi thì các lái xe bảo: Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”, vẻ đẹp ấy của cô đã hấp dẫn bao chàng trai: "các anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm tôi”. Điều đó làm Phương Định tự hào nhưng điều đặc biệt là cô chưa dành riêng tình cảm cho ai.

Nhân vật chính của tác phẩm còn khiến người đọc khâm phục bởi sự dũng cảm ngoan cường, bình tĩnh ung dung vượt lên khó khăn nguy hiểm.

Phương Định cùng những người bạn của minh sống và chiến đấu trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Chị phải chạy trên cao điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, chị cùng đồng đội phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt  vào cạnh nó để phá. Đó là công việc mạo hiểm với cái chết luôn gần kề tạo áp lực khiến thần kinh vô cùng căng thẳng. Thực hiện công việc đó, Phương Định và đồng đội phải rất bình tĩnh và họ đã thực sự bình tĩnh, ung dung một cách lạ thường. Thậm chí, với họ, công việc ấy đã trở thành bình thường: "Công việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và khi cần thì phá bom”.

Mặc dù đã quen với công việc nguy hiểm này, thậm chí một ngày có thế phải phá tới năm quả bom nhưng mỗi lần vẫn là một thử thách tột độ với thần kinh cua Phương Định. Từ khung cảnh và không khí chứa đầy càng thẳng đến cảm giác là các anh cao xạ ở trên kia cũng đang theo dõi từng động tác cử chỉ của mình để lòng dũng cảm ở cô như được kích thích bởi sự tự trọng: “Tôi đến gần quả bom… đàng hoàng mà bước tới” ở bên quả bom kề sát với cái chết im lim và bất ngờ, từng cảm giác của con người như cũng trở nên sắc nhọn hơn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”.

Đặc biệt, Phương Định càng khiến người đọc yêu mến, trân trọng hơn bởi tâm hồn trong sáng, tinh tế. Chị rất giàu tình cảm với đồng chí, đồng đội, quê hương và vô cùng lạc quan yêu đời.

Giống như hai người đồng đội trong tổ trinh sát, Phương Định yêu mến những người đồng đội trong tổ và cả đơn vị của mình. Đặc biệt, cô yêu mến và cảm phục tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của những con đường vào mặt trận. Phương Định đã lo lắng, sốt ruột khi đồng đội lên cao điểm chưa về. Chị yêu thương và gắn bó với bạn bè nên có những nhận xét tốt đẹp đầy thiện cảm về Nho, phát hiện ra vẻ đep dễ thương ”nhẹ, mát như một que kem trắng” của bạn. Chị còn hiều và đồng cảm sâu sắc với những sở thích và tâm trạng của chị Thao.

Phương Định cũng là người con gái có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên người mẹ thân thương trong một căn buồng nhỏ nằm trên một đường phố yên tĩnh hồi Hà Nội còn thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm ấy luôn sống lại trong cô giữa chiến trường dữ dội. Nó là niềm khao khát làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường.

Vào chiến trường đã ba năm, làm quen với những thử thách hiểm nguy, giáp mặt hàng ngày với cái chết nhưng ở Phương Định không mất đi sự hồn nhiên trong sáng và cả những mơ ước về tương lai: "Tôi mê hát”, “thích nhiều bài".

Phương Định là cô thanh niên xung phong trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn những ngày kháng chiến chống Mĩ. Chị tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng hào hùng ấy. Họ là những người không tiếc tuổi thanh xuân, hiến dâng trọn vẹn cho Tổ quốc những gì quý giá nhất:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

Trong "Những ngôi sao xa xôi", Lê Minh Khuê đã miêu tả chân thực và sinh động tâm lí nhân vật. Tác phẩm được kể từ ngôi thứ nhất tạo thuận lợi cho tác giả miêu tả thế giới nội tâm qua việc để nhân vật tự sự về mình.

Nhân vật Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê mang những đặc điểm tốt đẹp tiêu biểu cho tâm hồn những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong lên đường chống Mĩ trong những năm tháng vất vả mà hào hùng của dân tộc. Phương Định để lại trong lòng độc giả niềm yêu mến, cảm phục đốì với thế hệ trẻ Việt Nam trong những ngày tháng bom rơi đạn nổ ấy. Và hơn thế, điều đó trở thành động lực để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay viết tiếp nét son trong trang sử của thời đại mình.

Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê – Bài làm 2

“ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

( Tố Hữu)

Đó là những vần thơ chan chứa tự hào mà cố nhà thơ Tố Hữu đã dành tặng khi nhắc về hình ảnh thế hệ thanh niên yêu nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ.  Một thời hào hùng với những con người nhỏ bé nhưng phi thường. Họ thậm chí là những cô gái mở đường vừa hồn nhiên, trong sáng lại dũng cảm, kiên trung. Và đó cũng là bóng dáng của nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thơ ca đã có nhiều chân dung quen thuộc và đáng yêu, đáng cảm phục: những chiến sĩ lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, những cô gái mở đường trong “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mĩ Dạ,… Và Lê Minh Khuê – một nhà văn thuộc thế hệ những tác giả bắt đầu sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mỹ – cũng đóng góp một chân dung như thế cho văn học nước nhà: cô gái Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi. Đó là một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xinh đẹp, trong sáng, giàu tình cảm và dũng cảm, ngoan cường.

Là một cô gái thanh niên xung phong có nhiệm vụ cùng đồng đội san lấp những hố bom trên tuyến đường Trường Sơn lửa đạn, ngày đêm đối mặt với đất bụi, khói bom nhưng Phương Định không hề mất đi vẻ trẻ trung, xinh đẹp của một cô gái mới lớn. Chị là người nhạy cảm và luôn quan tâm đến hình thức của mình. Chị tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá.Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các lái xe bảo: Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”, vẻ đẹp ấy của chị đã hấp dẫn bao chàng trai ”các anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm tôi”.

Xem thêm:  Phần 4 Đề 6: Một hôm trả bài kiểm tra em được điểm cao hơn mọi ngày về một môn học nào đó. Hãy tả lại hình ảnh một người thân khi em khoe thành tích đó.

Nhưng điều đặc biệt ở Phương Định là không bị ”cái nết đánh chết cái đẹp”; ngược lại, chị đã để sự dũng cảm, ngoan cường và vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, giàu tình thương tôn thêm vẻ đẹp cho mình.

Phương Định cùng những người bạn của mình sống và chiến đấu trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Chị phải chạy trên cao điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, chị cùng đồng đội phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Đó là công việc mạo hiểm với cái chết luôn gần kề tạo áp lực khiến thần kinh vô cùng căng thẳng.Thực hiện công việc đó, Phương Định và đồng đội phải vô cùng bình tĩnh và họ đã thực sự bình tĩnh, ung dung một cách lạ thường. Thậm chí, với họ, công việc ấy đã trờ thành bình thường: ”Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng có nhiều quả bom chưa nổ, nhưng nhất định sẽ nổ… Rồi khi xong việc, quay lại nhìn đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang”.

Mặc dù đã quen với công việc nguy hiểm này, thậm chí một ngày có thể phải phá tới năm quả bom nhưng mỗi lần vẫn là một thử thách tột độ với thần kinh của Phương Định. Từ khung cảnh và không khí chứa đầy căng thẳng đến cảm giác là các anh cao xạ ở trên kia cũng đang theo dõi từng động tác cử chỉ của mình để lòng dũng cảm ở cô như được kích thích bởi sự tự trọng: “Tôi đến gần quả bom… đàng hoàng mà bước tới”. Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người như cũng trở nên sắc nhọn hơn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng… dấu hiệu chẳng lành”.

Sống giữa nơi sự sống và cái chết tranh giành nhau từng li một như thế nhưng Phương Định không để tâm hồn mình  mòn đi. Chị rất giàu tình cảm với đồng chí, đồng đội, quê hương và vô cùng lạc quan yêu đời.

Giống như hai người đồng đội trong tổ trinh sát, Phương Định yêu mến những người đồng đội trong tổ và cả đơn vị của mình. Đặc biệt, cô yêu mến và cảm phục tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của những con đường vào mặt trận.Phương Định đã lo lắng, sốt ruột khi đồng đội lên cao điểm chưa về. Chị yêu thương và gắn bó với bạn bè nên có những nhận xét tốt đẹp đầy thiện cảm về Nho, phát hiện ra vẻ đẹp dễ thương ”nhẹ, mát như một que kem trắng” của bạn. Chị còn hiểu và đồng cảm sâu sắc với những sở thích và tâm trạng của chị Thao.

Phương Định là một trong Những ngôi sao xa xôi ,người con gái có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên người mẹ thân thương trong một căn buồng nhỏ nằm trên một đường phố yên tĩnh hồi ở Hà Nội còn thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm ấy luôn sống lại trong cô giữa chiến trường dữ dội.Nó là niềm khao khát làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường.

Vào chiến trường đã ba năm, làm quen với những thử thách hiểm nguy, giáp mặt hàng ngày với cái chết nhưng ở  Phương Định không mất đi sự hồn nhiên trong sáng và cả những mơ ước về tương lai: ’’Tôi thích nhiều bài hát, dân ca quan họ dịu dàng, dân ca Ý trữ tình giàu có”.

Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã miêu tả chân thực và sinh động tâm lí nhân vật.Tác phẩm được kể từ ngôi thứ nhất tạo thuận lợi để tác giả miêu tả thế giới nội tâm qua việc để nhân vật tự sự về mình.

Phương Định là cô thanh niên xung phong trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn những ngày kháng chiến chống Mỹ. Qua nhân vật này, chúng ta hiếu hơn thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng hào hùng ấy.

Bước chân lên đường đánh Mỹ, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ, có những người vừa rời ghế nhà trường.Tâm hồn các anh, các chị trong trẻo, đầy ước mơ, khao khát và đặc biệt là giàu lí tưởng. Chính những kỉ niệm êm đẹp về gia đình như kỉ niệm về người mẹ trên căn gác nhỏ của Phương Định hay những những kỉ niệm về bạn bè, mái trường,… là hành trang để các anh, các chị mang vào trận chiến. Sống giữa nơi đầu tên mũi đạn họ chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ một cách ngoan cường, dũng cảm.Ai bảo không có những phút giây yếu lòng, lo lắng? Ai bảo tâm hồn họ là thép là đá? Không. Con tim họ cũng biết run lên khi tiếng súng phát nổ. Thần kinh họ cũng căng ra khi quan sát trái bom… Nhưng điều đáng quý và điều làm nên sự khác biệt ở họ là các anh các chị đã giữ được tâm hồn trong trẻo, giàu yêu thương đối với gia đình, đồng đội, đất nước. Và rồi, chính những tình cảm cao đẹp đó đã trở thành động lực để họ chiến thắng những phút giây hiểm nguy, nao núng. Các anh các chị thực sự là“… những con người Việt Nam đẹp nhất / Biết căm thù và cũng biết yêu thương” như nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi. Không tiếc tuổi thanh xuân, họ hiến dâng trọn vẹn cho Tổ quốc những gì quý giá nhất.

Đọc Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, người đọc thấy khâm phục và yêu mến Phương Định trước hết bởi những nét tính cách đáng quý của cô. Nhưng không chỉ vậy, qua nhân vật này chúng ta còn cảm nhận được hình ảnh, tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ hào hùng gian khó. Và đây cũng là thành công quan trọng nhất của tác phẩm giàu chất nhân văn này.

Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê – Bài làm 3

Những ngồi sao xa xôi của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tổ trinh sát mặt đường, trên con đường chiến lược Trường Sơn thời đánh Mĩ.

"Tổ trinh sát mặt đường”gồm có 3 cô thanh niên xung phong: Nho, Phương Định, và chị Thao. Họ ở trong một hang dưới chân cao điểm, ở đó, máy bay giặc Mĩ đánh phá dữ dội. Đường bị đánh "lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn". Tưởng như sự sống bị hủy diệt: "không có lá xanh" hai bên đường, "thân cây bị tước khô cháy". Có biết bao thương tích vì bom đạn giặc: những cây rễ nằm lăn lóc, ngổn ngang những hòn đá to, một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất.

Công việc của họ vô cùng nguy hiểm và gian khổ. Khi có bom nổ thì chạy lên đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ, phá bom. Họ bị bom vùi luôn. Thần chết "lẩn trong ruột những quả bom". Thần kinh căng như chão. Trong lúc đơn vị thanh niên xung phong thường "ra đường vào lúc mặt trời lặn. Và làm việc có khi suốt đêm" thì tổ trinh sát lại "chạy trên cao điểm cả ban ngày" dưới cái nóng trên 30 độ. Từ cao điểm trở về hang, cô nào cũng chỉ thấy "hai con mắt lấp lánh", "hàm răng ánh lên" khi cười, khuôn mặt thì “lem luốc".

Cả ba cô, cô nào cũng đáng mến, đáng cảm phục. Nhưng Phương Định là cô gái để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng ta. Phương Định, con gái Hà Nội “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn". Đôi mắt Định được các anh lái xe hảo là "có cái nhìn sao mà xa xăm". Nhiều pháo thủ và lái xe hay "hỏi thăm" hoặc "viết những bức thư dài gửi đường dây" cho Định. Cô có vẻ kiêu kì, làm "điệu" khi tiếp xúc với một anh bộ đội "nói giỏi" nào đấy, nhưng trong suy nghĩ của cô thì "những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”.

Xem thêm:  Bài số 62: Tiếng vườn

Phương Định là một cô gái rất hồn nhiên yêu đời, giàu cá tính. Thuở nhỏ đã hay hát. Cô có thể ngồi lên thành cửa sổ căn phòng nhỏ bé nhà mình “hát say sưa ầm ĩ". Bàn học lúc nào cũng "bày bừa bãi lên", để đến nỗi bà mẹ phải "nguyền rủa”: "Con gái gì cái của mày. Lấy chồng rồi mà no đòn… No đòn… !". Vì thế ngay từ lúc còn ở nhà, cô đã thề là "không lấy chồng".

Sống trong cảnh bom đạn ác liệt, cái chết kề bên, Định lại càng hay hát, những bài hành khúc, những điệu dân ca quan họ, bài ca Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô, bài dân ca Ý… Định còn biết bịa ra những lời hát, thế mà chị Thao vẫn "say mê" chép vào sổ tay. Định hát trong những khoảnh khắc "im lặng" khi máy hay trinh sát hay “rè rè", cơn bão lửa sắp ụp xuống cao điểm. Định hát để động viên Nho, chị Thao và động viên mình. Hát khi "máy bay rít, bom nổ. Nổ trên cao điểm, cách cái hầm này khoảng 300 mét". Hát trong không khí ngột ngạt: "Khói lên, và cửa hang bị che lấp”. Đúng là "tiếng hát át tiếng bom" của những người con gái trong tổ trinh sát mặt đường, những con người "khao khát làm nên những sự tích anh hùng".

Trong kháng chiến chống Mĩ, ở hai miền Nam, Bắc của Tổ quốc đã có hàng vạn, hàng triệu chàng trai lên đường ra trận với dũng khí và quyết tâm "đánh cho Mĩ cút đánh cho ngụy nhào" để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiền tuyến vẫy gọi, hàng ngàn hàng vạn cô gái mang chí khí Bà Trưng, Bà Triệu xung phong ra tiền tuyến. Con đường chiến lược Trường Sơn huyền thoại được làm nên bằng xương máu, mồ hôi và bao sự tích phi thường của những người con gái Việt Nam anh hùng.

Những ngôi sao xa xôi đã ghi lại một cách chân thực chiến tích thầm lặng của tổ trinh sát mặt đường. Trọng điểm đang chìm trong mưa bom bão lửa. Tiếng Định lại cất lên: "Tôi, một qua bom trên đồi. Nho, hai quả dưới lòng đường. Chị Thao, một quả dưới chân cái hầm ba-ri-e cũ". Cảnh tượng chiến trường trở nên "vắng lặng đến phát sợ". Cảnh vật bị hủy diệt: cây xơ xác, đất nóng, khói đen vật vờ từng cụm trong không trung: Phương Định, dũng cảm và bình tĩnh tiến đến gần quả bom, "đàng hoàng mà bước tới". Quả bom có 2 vòng tròn màu vàng nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Thần chết đang đợi chờ vỏ quả bom nóng. Định dùng lưỡi xẻng đào đất, có lúc lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Có lúc Định "rùng mình" vì cảm thấy tại sao mình làm quá chậm thế! Hai mươi phút đã trôi qua. Tiếng còi chị Thao rúc lên. Định cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi vào dây mìn. Cô khỏa đất rồi chạy nhanh về chỗ nấp… Tiếng còi của chị Thao lại thổi lên. Quả bom nổ. Ba tiếng nổ nữa tiếp theo. Mảnh bom xé không khí. Đất rơi lộp bộp. Bom nổ váng óc, ngực đau nhói, đôi mắt cay mãi mới mở ra được. Mồ hôi thấm vào môi, cát lạo xạo trong miệng. Nguy hiểm, căng thẳng không thể nào kể xiết. Chị Thao vấp ngã, vết sẹo bóng lên, mảnh dù bay trên lưng, chị cười. "răng trắng, đôi mắt mở to…". Nho bị thương. Bom nổ, hầm sập. Chị Thao và Định phải moi đất, bế Nho lên. Máu túa ra, ngấm vào đất. Chị Thao nghẹn ngào. Định rửa vết thương cho Nho, tiêm thuốc cho Nho, pha sữa cho Nho… Rồi chị Thao lại giục: "Hát đi, Phương Định, mày thích bài gì nhất, hát đi!". Đó là cuộc sống chiến đấu thường nhật của họ.

Mỗi ngày, tổ trinh sát mặt đường phá bom đến 5 lần; ngày nào ít: ba lần. Phương Định cho biết: Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể…

Đoạn văn tả cảnh phá bom trên cao điểm là đoạn văn xuất sắc nhất trong truyện Những ngôi sao xa xôi. Lê Minh Khuê đã sử dụng bút pháp hiện thực nghiêm ngặt tái hiện lại cảnh phá bom vô cùng nguy hiểm, dựng nên một  tượng đài về khí phách anh hùng lẫm liệt của tổ trinh sát mặt đường. Chị Thao, Nho và Phương Định đã sáng ngời lên trong khói lửa bom đạn. Chiến công thầm lặng của họ bất tử với năm tháng và lòng người. Tổ quốc và nhân dân có bao giờ quên những nữ anh hùng Đồng Lộc, những nữ anh hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn:

…Đất nuớc mình nhân hậu

Cả nước trời xoa dịu vết thương đau

Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất

 Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói, lung linh…

(Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ)

Định, cô gái Hà Nội xinh đẹp, dũng cảm trong lửa đạn, giàu yêu thương đồng đội. Cô cũng thích làm duyên như cô thôn nữ ngày xưa soi mình xuống giếng làng vừa mỉm cười vừa vuốt tóc; Định "thích ngắm" đôi mắt mình trong gương. Cô tự hào về cặp mắt mình "nó dài dài, màu nâu,hay nheo lại như chói nắng". Tâm hồn của Định rất trong sáng mộng mơ. Cô đã gửi lòng mình theo tiếng hát; hát trong bom đạn. Định, trái tim dào dạt thương yêu. Cứ sau mỗi trận chiến đấu ác liệt, chị Thao cất tiếng hát, Nho vừa tắm dưới suối lên đã đòi ăn kẹo. Còn Định thì "niềm vui con trẻ…” khi nhặt đưực những hạt mưa đá trên cao điểm. Và hình bóng mẹ, cái cửa sổ, những ngôi sao to trên bầu trời thành phố, chiếc xe chở đầy thùng kem, con đường nhựa ban đêm, cái vòm tròn nhà hát… tất cả những cái đó "xoáy mạnh như sóng" trong lòng cô gái một thời đạn bom. Đôi mắt của Định, của Nho, của Thao, của hàng vạn cô thanh niên xung phong trên những cao điểm, những trọng điểm của con đường chiến lược Trường Sơn, và trái tim rực đỏ của họ, của những người con gái Việt Nam anh hùng là Những ngôi sao xa xôi mãi mãi lung linh, tỏa sáng.

Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng ta hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của tổ trinh sát mặt đường, của Định, Nho, của chị Thao, của hàng ngàn, hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Chiến công thầm lặng của Phương Định và đồng đội là bài ca anh hùng.

Chiến tranh đã đi qua. Sau bốn thập kỉ, đọc truyện Những ngôi sao xa xôi, ta như được sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước. Những Phương Định gần xa vẫn tỏa sáng hồn ta với bao ngưỡng mộ.

Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê – Bài làm 4

Lê Minh Khuê là nhà văn thành công trong truyện ngắn. Chị tham gia viết văn từ những năm 1970 và có nhiều sáng tác về cuộc sống, chiến đấu của thanh niên xung phong và bộ đội. “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê là truyện ngắn viết năm 1971 lúc nhà văn 22 tuổi. Truyện viết về cuộc sống chiến đấu vô cùng gian khổ của tổ trinh sát mặt đường, trên con đường chiến lược Trường Sơn thời chống Mĩ cứu nước.

Trong truyện ngắn này, Phương Định là người kể chuyện và cũng là nhân vật chính. Chọn vai kể như vậy vừa phù hợp với nội dung truyện lại vừa tiện cho tác giả biểu hiện nội tâm một cách thuận lợi. Truyện viết về đề tài chiến tranh tất nhiên là nói về bom đạn, chiến đấu, hi sinh, gian khổ nhưng những giây phút bình yên là nơi trú chân cho những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật làm nên vẻ đẹp tâm hồn của con người, nhất là người phụ nữ chiến tranh. Truyện “Những ngôi sao xa xôi” nổi bật lên với ba gương mặt nữ thanh niên xung phong: Nho, Phương Định, chị Thao. Họ ở trong một hang sâu dưới chân cao điểm. Ở đó, máy bay giặc Mĩ đánh phá dữ dội. Đường bị đánh “lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn”. Tưởng như sự sống bị hủy diệt: “Không có lá xanh” hai bên đường, “thân cây bị tước khô cháy”, có biết bao thương tích vì bom đạn giặc: những cây rễ nằm lăn lóc, ngổn ngang những hòn đá to, một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất.

Xem thêm:  Hãy thuật lại buổi tổng kết năm học tổ chức tại trường em - Văn mẫu lớp 5

Công việc của họ vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Hàng ngày họ phai thay nhau đứng trên cao điểm đếm bom rơi rồi lao vào trọng điểm sau mỗi trận bom để đổ khối lượng đất và đá phải san lấp, đánh dấu và phá những quả bom chưa nổ. Họ bị bom vùi luôn. Thần chết “lẩn trong ruột những quả bom”. Thần kinh căng như chảo. Trong lúc đơn vị thanh niên xung phong thường “ra đường vào lúc mặt trời lặn, và làm việc có khi suốt đêm thì tổ trinh sát lại “chạy trên cao điểm cả ban ngày” dưới cái nóng trên 30 độ. Từ trên cao điểm về hang, cô nào cũng chỉ thấy “hai con mắt lấp lánh", “hàm răng lóa lên” khi cười, khuôn mặt thì “lom luốc”. Họ là những cô gái trẻ yêu đời, dễ rung cảm, nhiều ước mơ, rất dễ vui mà cũng dễ trẩm tư. Họ rất thích cái đẹp và thích làm đẹp cho cuộc sống, từ sở thích của mỗi người khác nhau. Nho thích thêu thùa, có ước mơ sau chiến tranh xin vào làm thợ điện và trở thành một cầu thủ bóng chuyền nhà máy. Chị Thao lớn tuổi hơn Phương Định và Nho. Từng trải hơn, không còn hồn nhiên như hai đồng đội, ước mơ và dự tính của chị về tương lai thiết thực hơn nhưng cũng không thiếu những phần khát khao rung động của tuổi trẻ. Chị dũng cảm, gan dạ trong chiến đấu nhưng sợ nhìn thấy máu chảy.

Cả ba cô, cô nào cũng đáng mến, đáng cảm phục. Nhưng Phương Định là cô gái để lại ân tượng sâu sắc. Phương Định là người con gái rất nhạy cảm, hồn nhiên và thích thơ mộng; cô thường sống với nhừng ki niệm nơi thành phố quê hương mình. Phương Định có một thời học sinh, hồn nhiên, sống vô tư với mẹ, cô có một căn phòng nhỏ trên gác hai ô một ngõ phố yên tĩnh và thanh bình tại Hà Nội. Và giờ đây trong những ngày căng thẳng ở chiến trường, cuộc sống đó đã trở thành ki niệm của cô. Những ki niệm đó vừa thể hiện khát khao cuộc sống nơi quê hương vừa là liều thuốc động viên tinh thần Phương Định nơi tuyến lửa khốc liệt. Sống nơi chiến trường đã ba năm, luôn kề bên cái chết nhưng cô vẫn thể hiện sư hồn nhiên và mơ mộng, ở chiến trường, Phương Định nổi bật giữa các cô gái khác với “hai bím tóc, tương đôi mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”. Đôi mắt Phương Định được cánh lái xe bảo là “có cái nhìn sao mà xa xảm”. Nhiều pháo thủ và lái xe “hỏi thăm” và “viết những bức thư dài gửi đường dây” cho Phương Định. Cô có vẻ kiêu kì, làm “điệu khi tiếp xúc với một anh bộ đội “nói giỏi” nào đấy, nhưng trong suy nghĩ của cô thì “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Cô biết mình được nhiều người, nhất là các anh lính trẻ, chú ý và có thiện cảm. Nhưng cô không biểu lộ tình cảm của mình và tỏ ra kín đáo giữa đám đông.

Phương Định là một cô gái rất hồn nhiên yêu đời, giàu cá tính. Thuở nhỏ hay hát. Cô có thể ngồi lên thành cửa sổ căn phòng nhỏ bé của nhà mình “hát say sưa ầm ĩ”. Bàn học lúc nào cũng “bày bừa bãi lên”, để đến nỗi bà mẹ phải “nguyền rủa”: “Con gái gì của mày. Lấy chồng rồi mà no đòn… No đòn… !” Vì thế ngay từ lúc ở nhà, cô đã thề “không lấy chồng”.

Sống trong cảnh bom đạn ác liệt, cái chết kề bên, Định lại càng hay hát. Những bài hành khúc, những điệu dân ca Quan họ, bài ca Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô, bài dân ca Ý… Phương Định còn bịa ra cả những lời hát, thế mà chị Thao vẫn “say mê” chép vào sổ tay. Phương Định hát trong khoảng khắc “im lặng” khi máy bay trinh sát. “rò rè”, cơn bão lửa sắp ụp xuống cao điểm. Định hát để động viên chị Nho, chị Thao, động viên mình. Hát khi “máy bay rít, bom nổ; nổ trên cao điểm, cách cái hang này khoảng 30m”. Hát trong không khí ngột ngạt: “Khói lên và cửa hang bị che lấp”. Đúng là “tiếng hát át tiếng bom” của những người con gái trong trinh sát mặt đường, những con người “khao khát làm nên những sự tích anh hùng”.

Là cô gái hồn nhiên, yêu đời và nhí nhảnh, Phương Định còn có một tâm hồn nhạy cảm biểu hiện ở chỗ chỉ một cơn mưa đá vụt qua là những kỉ niệm về thành phố quê hương về gia đình, tuổi thơ… lại được thức dậy trong cô. Đoạn hồi tưởng của Phương Định về tuổi học trò thể hiện tính cách hồn nhiên, vô tư pha một chút tinh nghịch và mơ mộng của người con gái Hà Nội. Nhưng tâm lí của Phương Định thể hiện rõ nhất, tinh tế nhất khi cô phá bom. Một mình phá một quả bom trên đồi. Cảnh tượng chiến trường “vắng lặng đến phát sợ”. Cảnh vật bị hủy diệt, khói đạn vật vờ từng cụm trong không trung: Phương Định dũng cảm và bình tĩnh tiến đến gần quả bom, đàng hoàng mà bước tới”. Quả bom có hai vòng tròn màu vàng nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Thần chết đang chờ đợi họ. Vỏ quả bom nóng. Định dùng lưỡi xẻng đào đất, có lúc lưỡi xẻng đụng vào quả bom. Có lúc Định “rùng mình” vì cảm thấy tại sao mình lại chậm thế. Hai mươi phút đã trôi qua. Tiếng còi chị Thao rúc lên. Phương Định cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống những lỗ đã đào, châm ngòi vào dây mìn. cô khỏa đất rồi chạy nhanh về chỗ nấp… tiếng còi chị Thao lại thổi lên. Quả bom nổ. Ba tiếng nổ nữa tiếp theo, ngực đau nhói, đôi mắt, cạy mãi mới mờ ra được. Mồ hôi thấm vào môi, cát lạo xạo trong miệng. Nguy hiểm, căng thẳng không thể nào kể xiết. Chị Thao vấp ngã, vêt sẹo bóng lên, mảng dù bay trên lưng, chị cười “răng trắng, đôi mắt mở to…”. Nho bị thương. Bom nổ, hầm sập, chị Thao và Định phải moi đất, bế Nho lên. Máu túa ra, ngấm vào đất. Chị Thao nghẹn ngào. Định rửa vết thương cho Nho, tiêm thuốc cho Nho, pha sữa cho Nho… Rồi chị Thao lại giục: “Hát đi, Phương Định, mày thích bài gì nhất, hát đi!…. Đó là cuộc chiến đấu thường nhật của họ.

Mỗi ngày, tổ trinh sát mặt đường phá bom đến năm lần; ngày nào ít cũng ba lần. Phương Định cho biết: “Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể…”.

Đoạn văn tả cảnh phá bom trên cao điểm là đoạn văn xuất sắc nhất trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Những cảm giác tinh tế được miêu tả qua đoạn văn không chỉ là sự nhạy cảm vốn có mà còn là sự tích ý kinh nghiệm sau nhiều lần phá bom"ở tuyến lửa.

Rõ ràng ngòi bút của Lê Minh Khuê đã miêu tả tâm lí của nhân vật rất sinh động và rất thực. Một thế giới nội hàm phong phú, đa dạng và rất trong sáng của nhân vật được hiện lên như nó vốn có. Cách nhìn, cách thể hiện những vẻ đẹp của con người trên tuyến đầu Tổ quốc theo khuynh hướng sử thi ấy chính là vũ khí góp phần động viên toàn dân tham gia kháng chiến. Mặc dù vậy, truyện ngắn của Lê Minh Khuê không rập khuôn, đơn giản; ngược lại rất chân thực, hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối.

Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm sống lại cuộc sống và chiến đấu của những cô thanh niên xung phong ở một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn trong giai đoạn chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Những hình ảnh cao đẹp của các cô thanh niên xung phong trong truyện tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong những năm tháng hào hùng của Tổ quốc. Truyện thể hiện thành công về cách kể chuyện, và đặc biệt là nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật.

Chiến tranh đã đi qua, sau ba mươi năm đọc lại truyện “Những ngôi sao xa xôi”, ta như được sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước. Những "ngôi sao Hôm” “sao Mai” như chị Thao, như Nho, như Phương Định gần xa vẫn tỏa sáng hồn ta với bao ngưỡng mộ, bịết ơn.

Topics #Cảm nhận #Cảm nhận về nhân vật Phương Định #chiến thắng #chiến tranh #con đường #cơn mưa #con người #cuộc sống #Đất nước #dũng cảm #học sinh #kỉ niệm #Lê Minh Khuê #người mẹ #Những ngôi sao xa xôi #Phạm Tiến Duật #Phương Định #suy nghĩ #tả cảnh #thế hệ trẻ #tố hữu #Tuổi trẻ #ước mơ #văn cảm nghĩ #văn học #Văn tả cảnh