Con đường đến trường đã trở nên quen thuộc. Em hãy tả lại con đường đó – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Bình Định

Con đường từ nhà em tới trường không xa lắm. Đã bao năm đi lại trên con đường này em không biết từ bao giờ nó đã trở thành người bạn thân thiết.

Nhìn từ xa, con đường như một dải lụa mềm mại nổi bật giữa tấm thảm màu xanh khổng lồ của cánh đồng lúa. Con đường tới trường chạy thẳng, có những ngã rẽ đi vào các thôn. Đường tới trường là con đường đất. Nó khoác trên mình chiếc áo màu nâu, trầm tĩnh và hiền lành. Mặt đường có những chỗ lồi lõm, bà tôi bảo đó là vết thương của thời gian in dấu. Bà tôi thỉnh thoảng cũng nói thơ văn lắm. Và mặc dù chẳng hiểu vết thương thời gian là gì nhưng tôi vẫn chăm chú lắng nghe từng lời nói của bà.

Đi trên con đường đất này thấy bàn chân mát rượi. Vào những ngày mưa, đường trơn như đổ mỡ. Lúc đi, những ngón chân phải bám chặt cho khỏi ngã. Hai bên đường, hàng cây bạch đàn cao vút, lá xanh rì đu đưa trong gió. Những buổi đi học, chúng tôi thường chạy xuống vệ đường, đi dưới tán cây và trên đám cỏ xanh mềm xen lẫn vài bông hoa dại bé nhỏ. Lác đác bên đường người ta trồng những luống rau.

Những bông hoa cải màu vàng làm cho con đường thêm rực rỡ. Vừa đi chúng tôi vừa ngắm cánh đồng thẳng cánh cò bay. Gió từ ngoài thổi vào làm dịu đi cái oi ả trưa hè. Bên cạnh con đường có một cái hồ khá rộng. Chiều chiều đi học về, học trò chúng tôi hay xuống đó nghịch nước, hái hoa sen, hoa súng, nô đùa ầm ĩ.

Con đường từ nhà tới truờng vào lúc tan tầm thật ồn áo, náo nhiệt, có bao người đi lại. Học trò đi học về, từng tốp, từng tốp một vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Chúng nói chuyện với nhau về bài giảng của cô giáo hôm nay, về thầy hiệu trưởng, về bác bảo vệ hay cô lao công… bao nhiêu là thứ chuyện. Chúng chạy tung tăng trên đường. Có đứa còn bỏ cặp trên lưng, lội xuống hồ hái sen. Có cậu học trò đi trên vệ cỏ trơn, tự dưng ngã oạch. Chúng bạn quay ra trêu đùa khiến cậu xấu hổ chạy mất. Giờ này người lớn cũng đi làm về. Người đi xe đạp, nguời đi bộ hối hả. Các bác nông dân sau một ngày vất vả, vội vàng quang gánh ra về lo cơm tối. Dưới đồng, lác đác vài người đang làm cố. Mấy chú trâu, chú bò thảnh thơi gặm cỏ ngon lành. Trong khi mọi người đang về với tổ ấm của mình thì những chú đánh tôm, đánh tép mới bắt đầu công việc. Trên tay chú lỉnh kỉnh bao đồ, chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến đi may mắn.

Xem thêm:  Viết một đoạn văn ngắn thuật lại ý kiến của các bạn trong nhóm em về những việc cần làm để bảo vệ môi trường - Văn mẫu lớp 3

Con đường tới trường, thật đẹp và thơ mộng. Nó đã gắn bó vơi tôi suốt thời gian dài. Tôi thích nhất con đuờng lúc tan tầm. Đó là khoảng thời gian sôi động nhất. Lúc ấy, tôi lại lặng yên ngắm nhìn mọi thứ, cảnh vật thanh bình và con người thuần hậu. Nhìn con đường đi học, tôi nhớ về câu nói của một nhà văn, trên đời này làm gì có đường, người ta đi lại nhiều thì thành đường mà thôi. Vì thế mà tôi cũng chẳng biết con đường này đã bao nhiêu tuổi nữa.

Tả lại con đường từ nhà đến trường – Bài làm 2

Một trong những nơi gắn bó với em nhất đó chính là con đường làng, bởi đây là con đường thân thương đưa bước chân em cũng như các bạn đến trường học, đây cũng là nơi lưu dấu nhiều kỉ niệm đẹp của tuổi thơ mà em đã trải qua. Đó là những kỉ niệm mà dù có khôn lớn thì em cũng sẽ không bao giờ lãng quên.

Con đường bắt đầu từ làng em đến tận trung tâm của xã, cũng là nơi mái trường thân yêu của chúng em được xây dựng. Vì vậy mà muốn đến trường thì chúng em phải đi qua con đường làng, tuy đó không phải con đường duy nhất, cũng không phải con đường ngắn nhất dẫn đến trường em, nhưng nó lại là con đường to nhất, thẳng nhất và được nhiều bạn học sinh chúng em lựa chọn để đi nhất. Con đường hàng ngày em vẫn đến trường là một con đường rộng và thẳng tắp, vì vậy mà chúng em có thể tự đi đến trường mà không lo bị lạc đường.

Con đường đi học này trước đây được làm bằng đá nên khá gồ ghề và xóc nếu như đi bằng xe máy hay đi xe đạp. Nhưng ngày nay, con đường làng của em đã được tu sửa và xây dựng lại, nó được dải một lớp bê tông vững chắc, sáng bóng. Cũng nhờ vậy mà các phương tiện đi lại trên đường cũng đông hơn trước, chúng em đi bộ đến trường cũng không còn bị đau chân như trước nữa, nếu vô tình nô đùa chạy nhảy mà bị ngã thì cũng không bị chảy máu khi đường còn làm bằng đá như trước.

Hai bên đường mọc lên rất nhiều cỏ, những đám cỏ tươi non, xanh mát, chạy dọc theo con đường trông vô cùng đẹp mắt, đặc biệt là vào sáng sớm, khi sương đêm vẫn còn đọng lại trên những tán lá thì những bờ cỏ này lại trở nên long lanh đến lạ kì. Trên con đường đi học, chúng em còn đi qua một cánh đồng lúa rộng lớn, vào mùa lúa chín thì cánh đồng sẽ được nhuộm vàng bởi những bông lúa chín nặng trĩu bông, hương lúa thổi thoang thoảng khắp mọi nơi.

Xem thêm:  Phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ trong Câu cá mùa thu

Con đường làng dẫn đến trường là con đường vô cùng gắn bó và thân thiết đối với em cũng như rất nhiều các bạn cùng trang lứa. Hàng ngày con đường ấy cùng chúng em đến trường rồi sau đó lại cùng chúng em trở về, con đường đã chứng kiến sự trưởng thành của em, từ khi còn là một cô bé đầy bỡ ngỡ, ngồi sau xe bố chở đến trường trong ngày đầu tiên đến trường, rồi đến bây giờ, khi em đã là một cô học sinh lớp năm, đã có thể tự mình đạp xe đến trường. Với em thì con đường thân thương ấy sẽ mãi là một người bạn thân thiết.

Con đường đến trường đã trở nên quen thuộc. Em hãy tả lại con đường đó – Bài làm 3

Mỗi buổi đến trường, em đi trên đoạn đường Bà Huyện Thanh Quan. Đối với thành phố Hồ Chí Minh quê em, đây là con đường êm đềm và hiền dịu nhất. 

Đường Bà Huyện Thanh Quan không phải là đường buôn bán. Không có những hiệu buôn sang trọng, đông vui. Đây thuộc khu nhà ở. Những ngôi nhà ở hai ba tầng lầu, xây cất kiểu biệt thự, quét vôi trắng, vàng lấp ló sau hàng cây xanh tươi, nằm lùi sâu sau mảnh vườn nhỏ, ngăn cách với hè đường bằng một hàng rào song mắt. Cũng có những nhà một tầng bé nhỏ, khiêm tốn ẩn mình sau rào sắt, cửa kính phủ rèm thưa đầy vẻ ấm cúng. Nhiều hơn là những căn nhà nhỏ, nằm sát hè phố, không có mảnh vườn phía trước, cửa thường đóng kín vì không buôn bán gì. Nổi bật trên đường phố vắng vẻ, yên tĩnh này là tòa nhà lầu đồ sộ, quét vôi vàng của trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai. Những tà áo trắng thướt tha của các chị học sinh trung học vào ra nườm nượp đem lại sự tươi mát, rộn ràng cho con đường yên tĩnh này. Đối diện với khu trường náo nhiệt này là nơi mà hàng ngày đến trường em thường ghé vào như một trạm nghỉ chân của một cung đường dài. Đó là ngôi chùa Xá Lợi. Em đã từng ngắm nhìn không chán những ngọn tháp cao được trang hoàng rực rỡ. Em đã từng sờ tay lần theo từng đường chạm khắc hình rồng phượng nơi cột và cổng chùa. Đối với em, chùa Xá Lợi như một cung điện. Không phải là đường phố buôn bán, lại không nằm trên trục đường chính của thành phố nên đường Bà Huyện Thanh Quan ít xe cộ qua lại. Ngay cả những giờ cao điểm trong ngày, đoạn đường này cũng rất yên tĩnh, đến độ tiếng chân em trên hè phố cũng nghe rõ mồn một. Chỉ đôi lúc mới có một chiếc xe gắn máy chạy qua. Sau tiếng máy nổ inh ỏi đó lại là một sựyên tĩnh kéo dài. 

Suốt dọc đoạn đường, hàng cây hai bên hè phố chụm đầu trên không và lúc nào cũng rì rào, thầm thì trò chuyện cùng em. Ngay cả giữa trưa nắng gắt, em cũng được hàng ây tỏa bóng râm mát đưa em tới trường. Đã bốn năm rồi, hàng ngày em đi trên đoạn đường này đến trương. Và hôm nay đây, đoạn đường đang đưa em đến kì thi tốt nghiệp cấp I. Em ngắm nhìn đoạn đường và thầm hứa sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ tấm lòng thương yêu, chăm sóc, bảo vệ của cây đối với em.

Xem thêm:  Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng - Văn mẫu lớp 9

Con đường đến trường đã trở nên quen thuộc. Em hãy tả lại con đường đó – Bài làm 4

Nhà em cách trường không xa mấy, chỉ vượt qua một đoạn của con đường Điện Biên Phủ, Cao Thắng, Nguyễn Đình Chiểu là tới. Đoạn đường này đối với em thật là quen thuộc. Nhưng thân thiết nhất vẫn là đoạn đường Cao Thắng. 

Lòng đường khá rộng, trải nhựa phẳng phiu, thật thích mắt. Xe chạy ngược xuôi tấp nập, nhưng không bao giờ có cảnh kẹt xe, vì ở mỗi ngã tư đều có hệ thống đèn báo hiệu hướng dẫn xe cộ lưu thông. Chúng em đi học rất thoải mái trên lề đường tráng xi măng. Dọc theo lề đường có những hàng cây sao cao vút, tỏa bóng râm mát cho đường phố ngay cả vào những trưa nắng gắt. Mỗi khi cơn gió thổi qua, là cây xào xạc nghe như tiếng hát ra, thật vui tai. 

Nhà cửa bên đường hầu hết là cửa hiệu buôn bán, thi thoảng lạc lõng chen vào một ngôi nhà biệt thự. Cửa hiệu thì đủ loại: có tiệm may, có cửa hàng bán vật liệu xây dựng, có tiệm ăn, khách sạn. Lại có cả phòng khám bệnh, phòng chữa răng… Ngoài ra còn có cả một ngôi chùa và một rạp hát. Mỗi buổi đến trường, em thường ghé rạp hát. Chẳng phải để coi hát, xem phim mà chỉ để nghiêng ngó, ngắm nghĩa các biểu ngữ, các hình quảng cáo phim mới thật vui mắt. Tạt qua rạp hát, em còn được hòa mình vào cái náo nhiệt của các bài ca, điệu nhạc từ các loa phóng thanh đưa ra. Và đôi khi, còn để mua quà bánh từ những hàng bán nhan nhản quanh rạp hát. 

Trên đoạn đường Cao Thắng, xe cộ qua lại tấp nập như mắc cửi, nhất là giờ đi làm, đi học buổi sáng, hoặc giờ tan sở, tan trường buổi chiều. Các xe hai bánh, bốn bánh nối đuôi nhau, chen chúc nhau chạy. Tiếng còi xin đường inh ỏi. Các bạn học sinh mặc đồng phục tung tăng đi từng nhóm trên hè đường. Các bạn thường dừng lại trước nhà bưu điện Bàn Cờ xem các bưu thiếp bày trong tủ kính. 

Ngày tháng trôi qua, con đường đến trường đã trở nên thân thuộc với em ở từng góc nhỏ, từng ngôi nhà cho đến từng chỗ mấp mô dưới lòng đường và trên lề đường. Con đường đã gắn liền với ngôi trường Lương Định Của thân yêu của em. Em yêu trường, và em cũng yêu con đường đã dẫn em đến với ngôi trường của em.

Topics #con đường #con đường đến trường #con người #đồng phục #hiệu trưởng #hoa sen #học sinh #học tập #kỉ niệm #mặc đồng phục #tả đường đến trường #thời gian #trường em #trường học #văn miêu tả #xe đạp