Đề 21: Suy nghĩ về văn bản Cây tre Việt Nam (Thép Mới)

Hướng dẫn

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà điện ảnh Ba Lan đã thông qua hình ảnh cây tre để ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Nếu họ dùng những ưu thế của “môn nghệ thuật thứ bảy” thì nhà văn Thép Mới lại viết lời bình để thể hiện những vẻ đẹp và phẩm chất của cây tre – một biểu tượng về đất nước và dân tộc Việt Nam. Bài viết của Thép Mới tuy có chất kí nhưng chủ yếu có thể coi là lời tùy bút kết hợp miêu tả, thuyết minh với trữ tình, bình luận và chắc chắn có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa với kịch bản điện ảnh, những hình ảnh trong bộ phim tài liệu Cây tre Việt Nam.

Mở đầu bài viết, nhà thơ Thép Mới khẳng định: “Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam”. Đây là ý bao quát của toàn bài đã được triển khai và minh họa bằng một hệ thống các luận điểm, chi tiết, các hình ảnh,… được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

Tác giả đã sử dụng giọng điệu du dương, trìu mến khi nói về đất nước tươi đẹp, muôn quý ngàn yêu và nhấn mạnh vai trò của cây tre đối với đời sống con người Việt Nam: “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là cây tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi… đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn”. Tre (và những cây cùng họ) là thứ cây có mặt ở khắp mọi miền đất nước, có sức sống mãnh liệt, vẻ ngoài xanh tươi, nhũn nhặn nhưng rất cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre được gán cho những phẩm chất đáng quý của con người: “thanh cao, giản dị, chí khí”.

Tre gắn bó với con người, đặc biệt là người nông dân trong cuộc sống hằng ngày và trong lao động sản xuất. Từ bao đời nay, tre tỏa bóng lên các xóm làng, mái đình, mái chùa cổ kính và ở đó con người sinh sống, làm ăn, giữ gìn nền văn hóa truyền thống. Dưới bóng tre xanh, người dân cày không chỉ xây dựng nhà cửa, mở rộng đất đai mà còn là nơi các đôi lứa nam thanh nữ tú bày tỏ tình yêu, nơi các em bé đánh chắt và cũng là nơi để các lão nông hút thuốc làm vui. Tre được ví là cánh tay của người nông dân và được coi như người nhà gắn bó, khăng khít của họ. Tre giúp người trăm công nghìn việc khác nhau, nào là “Cối xay tre nặng nề quay, từ ngàn đời nay, xay nắm tóc”, nào là “nguồn vui duy nhất của tuổi thơ”, niềm khoan khoái của người nông dân khi với chiếc điếu cày tre vừa nhả khói vừa miên man suy nghĩ. Từ các dẫn chứng được sắp xếp theo trình tự từ bao quát đến cụ thể, lần lượt theo từng lĩnh vực lao động, sinh hoạt tác giả khái quát về sự gắn bó của cây tre đối với con người Việt Nam: “Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy”.

Xem thêm:  Cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật Huấn Cao qua tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân - Văn mẫu lớp 11

Tre còn gắn bó với con người Việt Nam trong các cuộc chiến đấu giữ nước và giải phóng dân tộc. Trước kia, truyền thuyết có kể chuyện Thánh Gióng đang đánh giặc nửa chừng thì roi sắt bị gãy “bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc”. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, “tre lại là đồng chí chiến đấu của ta”, “lại vì ta mà cùng đánh giặc”. Thép Mới đã nhắc lại quá khứ hào hùng của dân tộc, đặc biệt là thời kì đầu của cuộc kháng chiến. Lúc đó, tương quan lực lượng giữa ta và địch vô cùng chênh lệch, cả dân tộc không có “một tấc sắt trong tay” nên phải dùng tre làm vũ khí để chống lại sắt thép của quân thù. Trong Lời khai mạc lễ kỉ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, 5 – 1 – 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta vĩ đại thật. Một ví dụ: Trong lịch sử ta có ghi chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu tháng chiến, Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gây tầm vông đánh thực dân Pháp”. Ở bài Cây tre Việt Nam, Thép Mới cũng có ý: “Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng lên thành đồng Tổ quốc! Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre” thì có thể hiểu nói tre tức là nói đến người. Tuy là vũ khí thô sơ nhưng tre lại rất dũng cảm, kiên cường “chống lại sắt thép của quân thù”, “xung phong vào xe tăng, đại bác và điều lớn lao hơn là “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”. Tác giả hết lời ca ngợi vai trò của cây tre đối với đời sống con người và dân tộc Việt Nam: “Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!”.

Để thể hiện và ca ngợi vẻ đẹp, phẩm chất của cây tre, Thép Mới đã sử dụng có hiệu quả phép nhân hóa. Nhiều chỗ thủ pháp nghệ thuật này tỏ ra rất thích hợp và đặc sắc, chẳng hạn vẻ ngoài của tre thì có màu tươi “nhũn nhặn”, dáng tre vươn “mộc mạc”, bóng tre trùm mát rượi; tính cách, tình cảm của tre thì “ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”, “tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hằng ngày”, “tre với mình, sống có nhau, chết có nhau”, “Tre uốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc”,… Hàng loạt tính từ thường dùng để chỉ đức tính, phẩm chất của con người được dùng cho cây tre đã làm cho tre mang các giá trị tinh thần, tình cảm của con người. Nhưng con người ở đây là “người hiền”, người tài trí và đức độ nên mới gắn liền với những từ như: thanh cao, chí khí, nhũn nhẵn, ngay thẳng, can đảm, bất khuất, chung thủy,

Tre không những gắn bó với con người trong cuộc sống hằng ngày, trong lao động sản xuất và trong chiến đấu bảo vệ đất nước mà còn giúp con người biểu lộ tâm hồn, tình cảm qua cánh diều bằng tre bay lưng trời, tiếng sáo trúc vang lưng trời. Những câu văn đây nhạc tính, tạo nên sự bay bổng, thiết tha khi nói về sáo diều, một thú chơi giản dị mà thanh cao của người nông dân Việt Nam. Người đọc như bị cuốn theo khúc nhạc đồng quê để hiểu thêm giá trị, ý nghĩa của cây tre đối với cuộc sống con người.

Xem thêm:  Tả cây bút chì

Với hình ảnh măng non trên phù hiệu đội viên thiếu niên Việt Nam, Thép Mới dẫn tới những suy nghĩ về cây tre trong tương lai. Nếu thời Pháp thuộc “Một thế kỉ văn minh”, “khai hóa” của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt “thì sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, đất nước ta tiến hành công nghiệp hóa nền sản xuất và sử dụng sắt, thép, xi măng cốt sắt là chính. Thế nhưng cây tre vẫn còn mãi với thế hệ trẻ, vẫn là bạn đồng hành của dân tộc ta trên con đường đi tới tương lai. Chắc chắn tre sẽ bớt vai trò quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày, trong lao động sản xuất nhưng các giá trị vật chất và tinh thần của nó sẽ còn mãi trong đời sống con người. Tre còn hiện diện ở khắp nơi, từ bóng mát tre xanh, những cổng chào thắng lợi, những chiếc đu tre dướn lên bay bổng cho đến tiếng sáo diều tre cao vút.

Hàng nghìn năm nay, cây tre gắn bó mật thiết với cuộc sống lao động và chiến đấu của dân tộc ta. Trong ca dao dân ca, truyện cổ tích,… có rất nhiều tác phẩm phản ánh sinh hoạt, tình cảm,… của con người sau lũy tre làng. Ở bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, tre xuất hiện với vai trò một vũ khí chiến đấu trong tay người nông dân Nam Bộ: “Ngoài cật có một manh áo dài, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỏ”. Đối với Thép Mới, cây tre là bạn thân của con người Việt Nam nhưng trên hết “Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam”. Qua các chi tiết và hình ảnh sống động, lặp lại nhiều lần trong bài kí (mầm măng mọc thẳng, bóng tre xanh…), kết hợp miêu tả với bình luận, lời văn giàu nhịp điệu, tác giả ca ngợi vẻ đẹp và phẩm chất của cây tre – một biểu tượng về đất nước và dân tộc Việt Nam.

Theo Yeuvan.com

Topics #áo dài #bản thân #bình luận #cây tre #Cây tre Việt Nam #con đường #con người #cuộc sống #Đất nước #dũng cảm #em bé #hồ chí minh #hòa bình #kể chuyện Thánh Gióng #kỉ niệm #lao động #Nguyễn Đình Chiểu #noi gương #suy nghĩ #Thánh Gióng #thế hệ trẻ #Thép Mới #thuyết minh #tình yêu #Tre Việt Nam #văn hóa truyền thống #văn minh #Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc #Việt Bắc