Đề số 10: Nhân dân ta có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, lại có câu: “Ta về ta tắm ao ta- Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Hai câu này có mâu thuẫn với nhau không? Em hãy trình bày quan điểm của em về hai câu nói trên.

Hướng dẫn

DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Tục ngữ, ca dao là kết tinh kinh nghiệm, trí tuệ của nhân dân lao động qua bao thế hệ, được coi là “túi khôn” của nhân loại.

– Có những câu ca dao, tục ngữ có vẻ trái ngược nhau về ý nghĩa, tiêu biểu là hai câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và “Ta về ta tắm ao ta – Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

2. Giải quyết vấn đề:

– Về câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”:

+ Ý nghĩa của câu tục ngữ: càng đi ra ngoài nhiều thì sẽ càng học hỏi được nhiều, sẽ “khôn” hơn, hiểu biết hơn.

+ Khẳng định tính đúng đắn: càng lớn, con người càng có nhu cầu nâng cao hiểu biết, mở rộng mối quan hệ xã hội. Đi ra ngoài, tiếp xúc nhiều thì sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, hiểu con người và cuộc SỐng hơn.

– Về câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta- Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”:

+ Ý nghĩa của câu ca dao: khuyên mỗi người nên quay về với môi trường, hoàn cảnh sống quen thuộc với mình, gắn bó với nó, dù môi trường đó tốt hay không tốt, thuận lợi hay không thuận lợi.

+ Câu ca dao nêu lên một ý kiến có phần đúng: đối với mỗi người, môi trường mà họ sinh ra và trưởng thành luôn có mối quan hệ gần gũi, gắn bó với mình, họ có thể hiểu về nó rõ nhất. Do đó, dù có đi đâu thì vẫn không thể có cảm giác thân quen, gắn bó như với nơi “chôn rau cắt rốn” của họ. Vả lại, quay về sinh sống và lập nghiệp, xây dựng quê hương đất nước của mình chính là biểu hiện của tình cảm yêu mến sâu nặng với quê hương đất nước.

– Mối quan hệ giữa hai câu nói:

+ Nhìn bề ngoài: có vẻ mâu thuẫn nhau.

+ Thực chất, hai câu nói này không loại trừ nhau mà có ý nghĩa bổ sung cho nhau:

• Do tính chất của tục ngữ, ca dao: cách nói khẳng định một vế, một vấn đề nhất định.

• Với câu ca dao “Ta về ta tắm ao ta- Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”: có phần không đúng ở vế thứ hai vì phần nào thể hiện tư tưởng bảo thủ, tự tôn tự mãn ở Thái độ đúng đắn: đi ra ngoài học hỏi cái mới, cái hay, cái tiến bộ của người khác, nước khác để áp dụng vào nước mình, làm cho đất nước giàu mạnh, tốt đẹp hơn.

• Với câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”: môi trường bên ngoài rất phong phú, phức tạp ⇒ cần phải có bản lĩnh vững vàng và trí xét đoán để chọn lọc, học cái hay, cái tốt, không bị sa ngã vào những tệ nạn và đánh mất mình.

⇒ Cách nhìn nhận, tiếp thu kinh nghiệm của dân gian qua ca dao, tục ngữ: tránh cái nhìn phiến diện, cực đoan mà cần nhìn nhiều chiều, có phê phán, phản biện cho phù hợp với thời đại mới, nhu cầu xã hội mới.

3. Kết thúc vấn đề:

– Tóm lại về ý nghĩa giáo dục của câu tục ngữ và ca dao vừa phân tích.

– Rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.

BÀI LÀM

Tục ngữ, ca dao Việt Nam là kết tinh kinh nghiệm và trí tuệ của nhân dân lao động qua bao thế hệ, được coi là “túi khôn” của nhân loại. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam, có những câu ca dao, tục ngữ có vẻ trái ngược nhau về ý nghĩa, tiêu biểu là hai câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Vậy, ta nên hiểu vấn đề mà câu tục ngữ và ca dao này nêu ra như thế nào?

Xem thêm:  Suy nghĩ về tính ích kỉ và lòng vị tha của con người - Văn mẫu lớp 9

Trước hết, đến với câu tục ngữ rất quen thuộc “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, thông qua những hình ảnh giản dị và gần gũi biểu hiện mối quan hệ điều kiện- kết quả (đi đường một ngày thì sẽ thu lượm được một “sàng” trí khôn), ta có thể hiểu ngay lời khuyên mà ông cha ta muốn gửi gắm qua câu tục ngữ này đó là: nếu càng đi ra ngoài nhiều thì chúng ta sẽ càng học hỏi được nhiều, sẽ “khôn” hơn, hiểu biết hơn.

Có thể khẳng định, câu tục ngữ trên đã nêu lên một vấn đề rất đúng đắn. Quá trình con người từ khi được sinh ra đến lúc trưởng thành cũng là quá trình con người dần dần bứt mình ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp và tìm đến những không gian rộng mở, mới lạ. Từ không gian gia đình nhỏ hẹp, con người đến với không gian lớn hơn: trường học; rồi tiếp đó là khi đi làm, chúng ta lại đặt chân đến những không gian xã hội khác. Không gian ấy không chỉ thu hẹp ở phạm vi trong nước mà còn mở ra cả nước ngoài. Càng lớn, con người càng có nhu cầu nâng cao hiểu biết, mở rộng mối quan hệ xã hội. Vậy nên, càng đi ra ngoài thì chúng ta sẽ càng được chứng kiến, được tiếp xúc với những hiện tượng, những con người mới. Cũng bằng việc đi ra ngoài, mở mang quan hệ, mở rộng tầm mắt, chúng ta sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, sẽ hiểu con người và cuộc sống hơn, từ đó mà áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Hãy thử hình dung một con người nếu chỉ ngồi một chỗ trong nhà, không chịu vận động, di chuyển, mở rộng quan hệ xã hội thì sẽ thế nào? Họ sẽ tự hủy diệt cuộc sống, trí tuệ và tâm hồn của họ. Còn nếu chúng ta tham gia vào những cuộc du lịch, tham quan, dã ngoại, chắc chắn, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh sắc và cuộc sống phong phú của con người ở những miền đất khác nhau, tri thức của chúng ta sẽ dầy thêm, còn tâm hồn cũng sẽ phong phú, rộng mở hơn. Câu tục ngữ quả thật đã đưa ra một lời khuyên thiết thực và bổ ích.

Còn đến với câu ca dao:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”,

ta lại nhận được một thông điệp khác.

Câu ca dao cũng đã chọn cho mình cách nói thật giản dị, dễ hiểu mà giàu hình ảnh: hãy về tắm ao nhà mình, dù nước có trong hay đục thì vẫn hơn nơi khác. Từ cách nói mộc mạc ấy, nhân dân lao động xưa muốn nhắn nhủ rằng con người ai cũng có gia đình, xã hội, môi trường sống của mình; vậy nên phải biết trân trọng những cái của mình, sử dụng nó hơn là đi nhờ vả, sử dụng của người khác. Mỗi người dù có đi xa đến đâu cũng nên quay về với môi trường, hoàn cảnh sống quen thuộc với mình, gắn bó với nó, dù môi trường đó tốt hay không tốt, thuận lợi hay không thuận lợi.

Trước hết, nhìn một cách khách quan, cần phải thừa nhận những mặt đúng, mặt tích cực của câu ca dao. Đối với mỗi người, môi trường mà họ sinh ra và trưởng thành luôn có mối quan hệ gần gũi, thân thiết, gắn bó với mình, có thể hiểu về nó rõ nhất. Ai trong chúng ta cũng cảm thấy “không nơi nào bằng nhà mình”, bởi khi quay về mái nhà của mình, mình sẽ có cảm giác gia đình đầm ấm, chia sẻ, chở che. Ngay cả đối với những người con sống xa quê hương, Tổ quốc, làm sao họ có thể thích nghi hoàn toàn với môi trường sống, với phong tục tập quán, với cách sống, cách sinh hoạt trên miền đất lạ? Làm sao họ có thể tìm được sự đồng điệu hoàn toàn và hồn quê hương ở 1 người bất đồng về ngôn ngữ, xa lạ về văn hóa? Do đó, dù có đi đâu thì vẫn không thể có cảm giác thân quen, gắn bó như với nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Và ta cũng dễ hiểu vì sao, nhiều Việt kiều sống xa quê hương nhưng tâm hồn họ vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Lại có biết bao người đằng đẵng xa quê, cuối đời trở lại sống với mảnh đất thân yêu của mình để tìm nguồn an ủi, tìm sự chia sẻ, cảm thông.

Xem thêm:  Nêu cảm nhận của em về nhân vật Lão Hạc qua truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao

Cũng như thế, khi chúng ta sử dụng những thứ thuộc sở hữu của mình, ta vẫn có tâm lý thoải mái, chủ động hơn là những thứ phải đi nhờ, đi mượn. Điều đó rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và hiệu quả công việc của mỗi người..

Hơn nữa, chúng ta có thể thấy rõ một điều là: nhà mình có ao mà mình không tắm, nhà mình có phương tiện mà mình không dùng, xã hội mình có sản phẩm mà mình ngoảnh mặt, lại đi sử dụng sản phẩm của người khác, nhà khác, nước khác thì chính là tự coi thường mình, tự bôi xấu mình. Đấy là chưa kể đến việc “ao nhà”lâu ngày không được sử dụng, thiếu chăm sóc, tu sửa thì sẽ ngày càng bẩn đi, đục thêm, sẽ đem đến hậu quả không nhỏ cho bản thân mình. Vậy nên, quay về sinh sống và lập nghiệp, xây dựng quê hương đất nước của mình chính là biểu hiện của tình cảm yêu mến sâu nặng với quê hương đất nước.

Xét về mối quan hệ giữa câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và câu ca dao “Ta về ta tắm ao ta- Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, ta có thể nhận thấy rằng, nhìn bề ngoài, hai câu nói này có vẻ mâu thuẫn với nhau về ý nghĩa. Một câu thì khuyến khích mỗi người hãy đi nhiều, thậm chí càng đi xa, đi nhiều càng “khôn” lên. Một câu thì nhắn nhủ mọi người hãy quay trở về với môi trường sống, hoàn cảnh sống quen thuộc, gắn bó với mình, dù hoàn cảnh đó, môi trường đó thuận lợi hay không thuận lợi.

Vậy, vì sao lại có sự trái nghĩa nhau như thế?

Có thể nói, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cách diễn đạt có vẻ mâu thuẫn này xuất phát từ đặc trưng của ca dao, tục ngữ. Để đúc kết một kinh nghiệm hoặc khắc sâu một bài học sống, ông cha ta từ xưa thường có cách nói khẳng định một vế, nhấn mạnh vấn đề muốn gửi gắm. Nhờ lối diễn đạt đó, người đọc có thể dễ nhớ, dễ thuộc những câu ca dao, tục ngữ đó hơn. Hiện tượng này chúng ta có thể bắt gặp qua một số cặp tục ngữ, ca dao khác như: “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”; “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” và “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”…

Thực chất, câu tục ngữ và ca dao mà chúng ta đang xem xét không loại trừ nhau mà có ý nghĩa bổ sung cho nhau. Một mặt, nhân dân lao động nhận thấy tầm quan trọng và hiệu quả của việc mở rộng môi trường sống, khám phá cái mới, từ đó nâng cao hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm bản thân. Mặt khác, ông cha ta cũng đưa ra lời khuyên cho chúng ta: hãy biết nhớ về cội nguồn, gốc gác của mình, quay trở về với nơi “chôn nhau cắt rốn” để xây dựng và phát triển.

Xem thêm:  Tả ngôi nhà nơi em đang sống

Ngay trong chính hai câu nói này, ta cũng cần có cái nhìn suy xét một cách thấu đáo và kín kẽ hơn.

Với câu ca dao “Ta về ta tắm ao ta- Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, bên cạnh mặt tích cực, đúng đắn mà nó nêu lên, câu ca dao vẫn còn mặt hạn chế. Dẫu lời khuyên ta phải tắm ở ao nhà ta, phải sử dụng những cái của ta là đúng, là hợp đạo lý, nhưng “Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” lại chưa thỏa đáng. Làm sao “vẫn hơn” được khi ao nhà ta nước đục hơn ao nhà người? Làm sao “vẫn hơn” được khi nước khác, xã hội khác đã văn minh, tiến bộ cách đây hàng thế kỉ, còn nước mình, xã hội mình vẫn chưa thoát khỏi trì trệ, lạc hậu, đói nghèo? Cách quan niệm đó có khác gì thái độ an phận, chấp nhận cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu? Càng sai lầm hơn khi với cách quan niệm ấy, ta sẽ dễ rơi vào tư tưởng bảo thủ, tự tôn tự mãn một cách mù ‘quáng, cho rằng cái gì của ta cũng là “nhất”, mới là tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là cách suy nghĩ sai lầm hoặc là một hành động ngụy biện cho lối sống trì trệ, vô trách nhiệm đối với xã hội và với chính mình. Như vậy, ta sẽ tự biến mình thành một con ếch suốt đời nhìn trời qua miệng giếng. Quan điểm đó sẽ làm cho xã hội đã lạc hậu càng lạc hậu hơn, cuộc sống đã nghèo nàn càng nghèo nàn hơn. Rõ ràng, quan niệm “Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” không còn phù hợp với đường lối đổi mới, mở cửa để phát triển không ngừng của chúng ta hiện nay.

Một thái độ ứng xử đúng đắn đó là phải biết “gạn đục khơi trong”, tức là phải phát huy cái tốt, cái đẹp, làm cho cái tốt cái đẹp ngày càng phát triển; đồng thời loại bỏ cái bẩn, cái xấu ra khỏi cuộc sống. Ta nên sử dụng những cái vốn có của ta, đồng thời cũng nên biết đi ra ngoài học hỏi cái mới, cái hay, cái tiến bộ của người khác, nước khác để áp dụng vào nước mình, làm cho đất nước giàu mạnh, tốt đẹp hơn. Thái độ “bài ngoại” hay “sùng ngoại” thái quá cũng sẽ dẫn đến sai lầm, nguy hiểm.

Còn đối với câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, ta cũng nhìn rộng và xa hơn. Môi trường bên ngoài mặc dù rất phong phú và hấp dẫn nhưng cũng đầy phức tạp, khong ít những cạm bẫy. Nếu một người chủ quan, nông nổi, chưa trau dồi đủ năng lực và bản lĩnh của mình mà đi vào những môi trường mới lạ sẽ rất dễ thất bại hoặc có khi đánh mất mình. Vậy nên, mỗi chúng ta cần phải có bản lĩnh vững vàng và trí xét đoán để chọn lọc, học cái hay, cái tốt trên con đường lớn, nhiều chiều, nhiều ngả, để không bị sa ngã vào những tệ nạn và đánh mất mình.

Tóm lại, qua câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và câu ca dao “Ta về ta tắm ao ta- Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, mỗi người đều có thể nhận được những lời khuyên quý giá, những bài học thiết thực, bổ ích. Qua hai câu nói trên, chúng ta cũng có thể rút ra cách nhìn nhận, tiếp thu kinh nghiệm của dân gian qua ca dao, tục ngữ, đó là tránh cái nhìn phiến diện, cực đoan mà cần nhìn nhiều chiều, có phê phán, phản biện cho phù hợp với thời đại mới, nhu cầu xã hội mới.

Theo Yeuvan.com

Topics #bản thân #ca dao Việt Nam #con đường #con người #cuộc sống #Đất nước #Đi một ngày đàng #Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn #gia đình #giáo dục #hành động #hiện nay #học một sàng khôn #Học thầy không tày học bạn #Không thầy đố mày làm nên #lao động #lối sống #Lượm #môi trường #Môi trường sống #phân tích #quan điểm #quê hương #suy nghĩ #Ta về ta tắm ao ta #tệ nạn #trường học #văn minh