Đề số 5: Chân dung nhân vật Va-ren trong tác phẩm “Những trò lố hay là Va- ren và Phan Bội Châu” của Nguyễn Ái Quốc.

Hướng dẫn

DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Giới thiệu truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” của Nguyễn Ái Quốc.

– Giới thiệu nhân vật Va-ren: là một trong hai nhân vật chính của tác phẩm; là đối tượng của ngòi bút châm biếm, đả kích sâu sắc của nhà văn; được đặt trong thế đối sánh với người anh hùng Phan Bội Châu để nổi bật lên bản chất gian trá, lố bịch của hắn.

2. Giải quyết vấn đề:

– Chân dung nhân vật Va-ren được khắc họa qua những phương diện sau:

+ Lời hứa thả cụ Phan của Va-ren với công luận ở Pháp và Đông Dương khi hắn nhận chức Toàn quyền: là lời hứa “nửa chính thức”- và trong thời gian hắn đến Sài Gòn mất bốn tuần lễ di chuyển thì Phan Bội Châu vẫn ở trong tù.

+ Màn chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu trong xà lim: là một màn kịch vừa gay cấn, vừa hài hước, ở đó, tư cách và bản chất của Va-ren bị lột trần:

+) Tư cách của Va-ren: một kẻ phản bội nhục nhã.

+) Hành động: “tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm”, miệng nói: “Tôi mang tự do đến cho ông đây” → lời nói và hành động xảo trá, lời nói và việc làm của hắn thực chất trái ngược với nhau.

+) Lời thuyết phục của Va-ren với cụ Phan: đưa ra những lời lừa mị, dụ dỗ cụ Phan cộng tác với thực dân Pháp, mang lại lợi ích cho bản thân; đưa ra những bằng chứng của những người khác và của chính bản thân hắn đã phản bội lý tưởng, phản bội tổ chức để “vinh thân phì gia”- Ngôn ngữ của Va-ren rất “đao to búa lớn”, hùng hồn mà xáo rỗng, phơi bày bản chất xảo trá, phản động, đê hèn của hắn. Ngôn ngữ đối thoại mang tính độc thoại (tự nói).

– Nghệ thuật xây dựng chân dung nhân vật Va-ren:

+ Khả năng tưởng tượng, hư cấu: tạo tình huống hư cấu độc đáo về cuộc gặp mặt giữa Va-ren và Phan Bội Châu trong nhà giam.

+ Giọng văn trào phúng sắc sảo: khi thì “vỗ mặt” trực tiếp, lột trần bản chất phản động của Va-ren; khi thì thâm trầm, kín đáo, hóm hỉnh mà sâu cay qua miêu tả chi tiết những cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, thái độ của Va-ren trong cuộc gặp mặt cụ Phan.

+ Đoạn kết và lời tái bút: là một “đòn đánh” quyết định “hạ gục” Va-ren, thể hiện thái độ khinh bỉ sâu sắc của tác giả với nhân vật.

3. Kết thúc vấn đề:

– Tóm lại về hình tượng nhân vật Va-ren.

Xem thêm:  Đề 38: Cảm nhận văn bản Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

– Nhận xét về nghệ thuật xây dựng chân dung nhân vật sắc sảo và tâm huyết của nhà văn đối với nhà cách mạng Phan Bội Châu cũng như với dân tộc và đất nước.

BÀI LÀM

Truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nằm trong tập “Truyện kí Nguyễn Ái Quốc“. Tác phẩm được viết ngay sau khi nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt cóc ở Trung Quốc, rồi bị giải về giam ở Hỏa Lò chờ ngày xét xử. Có thể nói, truyện ngắn được viết từ đất Pháp này đã góp một tiếng nói cổ động phong trào của nhân dân trong nước đòi thả Phan Bội Châu.

Một trong hai nhân vật chính, được coi là đối tượng chính mà ngòi bút nghệ thuật của nhà văn hướng tới chính là Va-ren. L. Vậy, Va-ren là ai?

Va-ren là người Pháp, từng tham gia Đảng Xã hội, nhưng rồi phản đảng và được cử làm Toàn quyền Đông Dương từ cuối năm 1925 thay Toàn quyền cũ là Méc-lanh.

Trong truyện ngắn này, qua ống kính sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, hình ảnh Toàn quyền Va-ren hiện lên chân thực, sống động như bằng xương bằng thịt.

Mở đầu truyện, Va-ren đã được nhắc đến:

“Do sức ép của công luận ở Pháp và ở Đông Dương, ông Va-ren đã nửa chính thức hứa sẽ chăm sóc cụ Phan Bội Châu”. Lời hứa “nửa chính thức” của Toàn quyền Va-ren nghe thật hài hước! Mà lại phải do chịu sức ép của công luận. Bản chất của Va-ren phần nào hé lộ sự tính toán vị kỉ của hắn: “Ngài chỉ muốn chăm sóc đến khi nào yên bị thật xong xuôi ở bên ấy đã”. Nghĩa là Va-ren đã đưa ra những lời hứa bình đẳng, tự do, dân chủ cho các nước thuộc địa để được thăng chức Toàn quyền. Nhưng mục đích đó của hắn đã bị tác giả lật tẩy. Đặc biệt là trong lời tường thuật tiếp theo

“Nhưng ngài lại chỉ vừa mới xuống tàu, mà hành trình từ Mác-xây đến Sài Gòn kéo chừng bốn tuần lễ cơ. Như vậy có nghĩa là trong bốn tuần lễ đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù”.

Ở đây, ta dễ dàng có thể nhận ra sự “trật khớp” giữa lời nói và hành động của Va-ren.

Chân dung và bản chất của Va-ren được khắc họa chi tiết hơn, sắc nét hơn qua cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa hắn và nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu ở trong xà lim. Cuộc gặp mặt mà đúng như tác giả đã gọi là “một tấn kịch”, “một cuộc chạm trán” mà ở đó, “những. trò lố” của Va-ren mới chính thức được trình diễn.

Nhà văn đã dùng ngôn ngữ trực tiếp lột trần quá khứ xấu xa và bản chất phản động của Va-ren khi hắn đối mặt với cụ Phan. Đó là một “con người phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình”- có thể nói là một “kẻ phản bội nhục nhã”. Dường như, chỉ có thể bằng ngôn ngữ “vỗ mặt” đối tượng như vậy mới có thể làm cho công luận hiểu rõ con người thực của Va-ren, mới làm hả hê người viết cũng như người đọc.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương - Văn mẫu lớp 7

Không chỉ thế! Chân dung Va-ren được khắc họa qua những cử chỉ, hành động, lời nói chi tiết.

“Tôi mang tự do đến cho ông đây”- “Va-ren tuyên bố vậy, tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm”. Câu văn giàu hình tượng. Quả thực nếu có thể vẽ được thì chúng ta có thể hình dung thấy một bức biếm họa đầy mỉa mai, hài hước. Một kẻ miệng thì – thon thớt nói lời tự do, nhưng tay lại nâng cái gông to xiết chặt một con người dám xả thân chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Cái bắt tay “ngoại giao” kia cũng không che giấu được hình ảnh cái gông to kệch đang xiết lấy người tù. Có thể thấy ở Va-ren, cả lời nói và hành động đều thớ lợ, xảo trá, lời nói và việc làm của hắn thực chất trái ngược với nhau.

Tiếp theo là màn đối thoại, mà thực chất là màn độc thoại, của Va-ren trước Phan Bội Châu. Để thuyết phục cụ Phan, Va-ren đưa ra những lời lừa mị, dụ dỗ cụ cộng tác với thực dân Pháp. Cái lý do hắn đưa ra đó là: hành động hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho đất nước và cho bản thân cụ. Và để tăng thêm sức thuyết phục, Va-ren đưa ra những bằng chứng về sự phản bội lý tưởng, phản bội tổ chức để “vinh thân phì gia” của những kẻ khác và của chính bản thân hắn.

Hãy nghe những lời huênh hoang của Va-ren về “nước mẹ Đại Pháp”: “Nền dân chủ của chúng tôi, nhờ Chúa! Rất là tốt! Thật thế, nền dân chủ hào hùng của nước Pháp, mà hôm nay tôi được vinh dự. thay mặt giữa các ông, khoan dung với những người, như tôi, đã đoạn. tuyệt với những lầm lạc của tuổi trẻ”.

Ngôn ngữ của Va-ren thật “đao to búa lớn”, hùng hồn mà xáo rỗng. Và càng nói, hắn càng tự phơi bày bản chất xảo trá, phản động, đê hèn của hắn.

Qua màn độc thoại của Va-ren trước Phan Bội Châu, có thể nhận ra bút pháp trào phúng độc đáo của nhà văn. Tác giả đã dùng thủ pháp “gậy ông đập lưng ông”, để nhân vật dùng chính ngôn ngữ của mình để lột mặt nạ đạo đức giả của mình. Hơn thế nữa, qua cách “nói ngược” mang sắc thái mỉa mai, châm biếm, tác giả còn chĩa mũi nhọn đả kích sâu xa hơn vào “nền dân chủ hào hùng của nước Pháp”- nền dân chủ mang danh chuyên đi “khai hóa” cho các “tiểu quốc” nhưng thực chất là đàn áp, bóc lột tàn tệ xương máu của nhân dân lao động và những người yêu nước. Quả là “một mũi tên trúng hai đích”!

Xem thêm:  Viết một đoạn văn nói về cây măng cụt hoặc trái măng cụt - Văn mẫu lớp 2

Tác giả còn đưa ra lời bình luận về thái độ của Va-ren trước sự im lặng của Phan Bội Châu: “những lời nói của Va-ren hình như lọt vào tai (Phan) Bội Châu chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”, và cái im lặng dửng dưng của (Phan) Bội Châu suốt buổi gặp gỡ hình như làm cho Va-ren sửng sốt cả người”. Thái độ im lặng, dửng dưng của cụ Phan trước những lời của Va-ren chính là câu trả lời, hay đúng hơn là một “cái tát” vào bộ mặt đạo đức giả, đê hèn của hắn.

Tác phẩm kết lại bằng lời quả quyết của một anh lính dũng An Nam – “cái anh chàng ranh mãnh đó” quả quyết rằng “có thấy đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi”. Còn người trần thuật thì đưa ra giả định: “Nếu quả thật thế, thì có thể là lúc ấy (Phan) Bội Châu có mỉm cười, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy”. Cái “cười ruồi” của cụ Phan chính là biểu hiện rõ nét sự khinh bỉ cao độ với Va-ren, làm cho nhân cách và vị thế của Va-ren càng thêm thảm hại trước tư thế và khí phách hiên ngang của Phan Bội Châu.

Chưa hết! Đoạn tái bút trong tác phẩm thêm một lần nữa “nhấn”. Va-ren xuống vực thẳm nhục nhã: một nhân chứng khác của cuộc gặp gỡ này lại quả quyết rằng “Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren”. Và nhà văn bình luận: “cái đó thì cũng có thể”.

Đến đây, Va-ren hiện lên không chỉ lố bịch, xảo trá mà còn thật thảm hại trước Phan Bội Châu. ” Như vậy, bằng giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh và khả năng tưởng tượng, hư cấu, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu đã khắc họa được chân dung nhân vật Va-ren với bản chất gian trá, lố bịch,đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương. Hình tượng Va-ren được đặt trong thế đối lập với Phan Bội Châu và được vẽ nên bằng bút pháp châm biếm, mỉa mai sâu sắc. Qua đó, tác giả Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện thái độ khinh bỉ, tố cáo bộ mặt thật giả dối của Va-ren. Tác phẩm góp thêm một tiếng nói vào phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.

Theo Yeuvan.com

Topics #bản thân #bình luận #con người #Đất nước #giới thiệu #hành động #lao động #lời nói #mục đích #Nguyễn Ái Quốc #Phan Bội Châu #thời gian #Tuổi trẻ #tưởng tượng #văn bình luận