Đề số 6: Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ “Qua Đèo Ngang’ của Bà Huyện Thanh Quan – Văn mẫu lớp 7

Hướng dẫn

DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Bà Huyện Thanh Quan là một nữ sĩ nổi tiếng ở thế kỉ XVIII.

– Thơ của bà mang vẻ đẹp trang nhã và đài các, thấm đẫm nỗi niềm hoài cổ.

– “Qua Đèo Ngang” là một trong những bài thơ thể hiện rõ nét vẻ đẹp ấy của hồn thơ nữ sĩ.

2. Giải quyết vấn đề:

Qua Đèo Ngang là bài thơ được Bà Huyện Thanh Quan sáng tác trên đường từ Thăng Long vào kinh đô Huế để nhận chức Cung trung giáo tập. Bài thơ đầy ắp niềm nhớ nước thương nhà của nhà thơ.

* Hai câu thơ đầu:

– Hai câu đề nêu lên hoàn cảnh lúc nữ sĩ đặt chân tới Đèo Ngang:

+ Thời gian: Lúc xế tà → Buổi hoàng hôn, thời điểm cuối ngày, thời điểm của sự sum họp → Vậy mà nữ sĩ phải một mình trên đường xa → Gợi tâm trạng buồn bã..

+ Không gian: Cỏ cây chen đá lá chen hoa → Một không gian hoang sơ chỉ có cỏ cây và đá đan xen chen chúc → Một mình nữ sĩ giữa thiên nhiên vắng vẻ.

⇒ Không gian và thời gian gợi mở bức tranh phong cảnh Đèo Ngang và mở ra một hoàn cảnh để nữ sĩ chìm đắm trong dòng tâm sự u hoài.

* Hai câu thực:

Bức tranh thiên nhiên Đèo Ngang hiện lên qua cái nhìn của nữ sĩ nhuốm màu vẻ hoang sơ vắng lặng:

+ Bóng dáng con người hiện lên qua hình ảnh chú tiểu đi kiếm củi dưới núi và những mái nhà lác đác bên sông → Rất bé nhỏ và thưa thớt.

+ Hai từ láy “lom khom” và “lác đác” được đảo lên đầu câu nhấn mạnh trạng thái của sự vật: Con người bé nhỏ lại còn lom khom nên càng thêm bé nhỏ, “mấy nhà” đã ít ỏi lại còn đặt sau “lác đác” nên càng thêm thưa thớt.

+ Biện pháp đối lập rất chính tạo ấn tượng sâu sắc về sự thưa vắng của con người nơi đây.

⇒ Vẽ hình ảnh con người nhưng không làm cho bức tranh ấm áp hơi ấm sự sống mà càng làm tăng thêm sự hoang vu vắng vẻ→ Thiên nhiên như ngự trị toàn cảnh, bóng dáng con người quá chừng bé nhỏ và vô nghĩa.

* Hai câu luận:

– Bức tranh thiên nhiên Đèo Ngang không những có hình ảnh mà còn có âm thanh:

+ Tác giả miêu tả âm thanh ra rả của tiếng chim quốc và chim đa đa trong rừng chiều gợi lên nỗi buồn não nề.

+ Biện pháp chơi chữ dùng từ đồng âm và lối nói trại âm: quốc quốc, gia gia • Diễn tả tâm trạng của tác giả: Nhớ nước là nhớ triều Lê cũ đã tan thành mây khói, thương nhà là thương gia đình còn ở lại Thăng Long trong khi nữ sĩ phải dấn thân trên dặm đường trường.

⇒ Hai câu thơ là tâm trạng u hoài của nhà thơ, tâm trạng nhuốm niềm hoài cổ.

* Hai câu kết:

– Tác giả đặt mình đối diện với trời, non, nước: Thiên nhiên mệnh, mông rợn ngợp mà nữ sĩ chỉ có một mình → Nỗi cô đơn vô hạn giữa đất ” trời → Nỗi cô đơn mang tầm kích vũ trụ.

Xem thêm:  Văn tả cảnh công viên Thủ Lệ

– Nữ sĩ một mình ôm niềm tâm sự: Cụm từ ta với ta thể hiện niềm cô đơn không người san sẻ, chỉ “ một mình mình biết, một mình mình hay”, khác cụm từ “ta với ta” trong bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến.

3. Kết bài:

Bài thơ khắc hoạ một bức tranh mang vẻ đẹp nên thơ mà hoang sơ của Đèo Ngang- một thắng cảnh trên con đường Nam Bắc.

– Qua đó, nhà thơ đã gửi gắm niềm tâm sự u hoài da diết, đó là nỗi nhớ nước thương nhà.

– Bài thơ xứng đáng là một mẫu mực của thơ đường luật, một kiệt tác của thơ Nôm Việt Nam trung đại.

BÀI LÀM.

Xuất hiện vào cuối thế kỉ XVIII, Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nữ sĩ để lại dấu ấn không phai mờ trong nền văn học Việt Nam trung đại. Sáng tác của bà để lại không nhiều nhưng tất cả các tác phẩm đều đạt đến trình độ mẫu mực với vẻ đẹp rất đỗi trang nhã, đài – các và thấm đẫm niềm hoài cổ. “Qua Đèo Ngang” là một trong những bài thơ tiêu biểu cho vẻ đẹp ấy của hồn thơ nữ sĩ.

“Qua Đèo Ngang” là tác phẩm ra đời khi nữ sĩ đang trên đường vào kinh đô Huế theo lệnh vua Minh Mạng nhận chức Cung trung giáo tập- chức nữ quan dạy học cho các phi tân, cung nữ và công chúa trong cung. Vậy nghĩa là nhà thơ đã phải để gia đình ở lại Thăng Long để trở thành người lữ khách cô độc khi tâm hồn nữ sĩ chan chứa tình yêu thương dành cho quê hương và gia đình. Sẵn có tâm trạng như vậy nên dường như chỉ cần khẽ chạm vào một cảnh vật gợi buồn là dòng tân trạng nữ sĩ sẽ tuôn tràn, hoá thành những vần thơ lai láng cảm xúc. Tâm trạng nữ sĩ gặp bức tranh thiên nhiên Đèo Ngang đã hoá thành những vần thơ bất hủ. … Mở đầu bài thơ, như trong bất cứ bài Đường luật thất ngôn bát cú nào, hai câu đề gợi mở không gian, thời gian, hoàn cảnh lúc nữ sĩ đặt chân đến Đèo Ngang. Một bức tranh thiên nhiên hiện ra qua cái nhìn của nữ sĩ hết sức nên thơ nhưng vắng lặng, mang vẻ đặc trưng của con đèo nối liền hai miền Nam-Bắc. Bức tranh được miêu tả trong thời khắc lúc xế tà.

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà.

Nhà thơ đặt chân tới Đèo Ngang vào buổi hoàng hôn, lúc ngày sắp tàn. Đó là thời điểm thường gọi tâm trạng buồn. Bởi vì lúc cuối ngày là thời điểm sum họp của mỗi gia đình. Nó khiến những kẻ tha hương lữ. thứ thấm thía hơn bao giờ hết nỗi cô đơn, lẻ loi, thèm khát một mái ấm. Nó cũng là thời khắc con người mệt mỏi sau một hành trình dài, cần tìm nơi ngơi nghỉ. Con người cần biết mấy hơi ấm sự sống con người để khoả lấp nỗi buồn bã cô đơn. Vậy nhưng không gian xung quanh nữ sĩ lại hoàn toàn trái ngược:

Xem thêm:  Người ấy sống mãi trong lòng tôi - Văn mẫu lớp 6

Cỏ cây chen đá lá chen hoa

Nhìn ra xung quanh, nữ sĩ chỉ thấy cỏ cây và đá đan xen, chen chúc. Hai từ chen cùng phép láy âm trong hai từ “đá” và “lá” đã đặc tả sự rợn ngợp của thiên nhiên. Một thiên nhiên tràn trề sức sống như tuôn ra choán ngợp không gian. Trước mắt nhà thơ chỉ là vẻ hoang sơ của núi rừng. Nữ sĩ bèn phóng tầm mắt ra xung quanh kiếm tìm bóng dáng con người. Bức tranh Đèo Ngang mênh mông rộng lớn đều thu vào tầm mắt:

Lom khom dưới núi tiều tài chú

Lác đác bên sông chỉ mấy nhà

Bức tranh thiên nhiên có con người nhưng những hình ảnh ấy hiện lên vô cùng mờ nhạt, thưa thớt. Đó là những chú tiều người đi lấy củi lẫn cùng cây cối. Là những mái nhà lác đác bên sông. Hai từ láy “lon khon” “lác đác” đặc tả sự bé nhỏ thưa thớt đã được đảo lên đầu câu thơ trong phép đảo ngữ nhấn mạnh thêm ấn tượng đặc điểm của sự vật, khiến hình ảnh con người đã ít ỏi lại càng thêm vắng vẻ, những mái nhà đã ít lại càng thêm thưa thớt. Biện pháp đối cân chỉnh góp phần tạo nên sự toàn vẹn của sự hoang vắng. Bức tranh có núi có sông, sơn thuỷ hữu tình là vậy mà dường như chỉ có thiên nhiên ngự trị. Tác giả mi hình ảnh con người nhưng lại để khắc hoạ rõ nét hơn sự mênh mông rợn ngợp ấy. Bóng dáng con người lọt thỏm vào giữa thiên nhiên rộng lớn, trở nên vô nghĩa, có mà như không.

Ngắm nhìn quang cảnh đã thấy thấm buồn, nữ sĩ lại càng buồn hơn khi nghe âm thanh rừng chiều. Tiếng chim quốc và chim đa đa mỗi khi trời chập tối lại cất lên tiếng kêu da diết khắc khoải:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc.

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Tiếng kêu của loài chim quốc gợi nhớ về câu chuyện Thục Đế mất nước biến thành loài chim ra rả kêu gọi hồn nước đến rũ xương. Nó xoáy sâu vào tâm hồn nhà thơ, khơi gợi những tâm sự u hoài. Tác giả đã thật tài tình khi sử dụng hai từ tượng thanh “quốc quốc”, “gia gia” để miêu tả âm thanh tiếng chim kêu. Vừa miêu tả cảnh thật nhưng đồng thời cũng để nói nỗi lòng đang ăm ắp. Đó là nỗi nhớ nước thương nhà lúc nào cũng thường trực trong tâm hồn nhà thơ trên dặm đường lữ thứ. Bước chân vào kinh đô Huế, Bà Huyện Thanh Quan bỏ lại Thăng Long cả gia đình thân thuộc, cả quê hương yêu dấu. Và điều quan trọng hơ: nữa là bà đi làm việc cho một triều đại mới trong khi vương triều mà nữ sĩ hằng tôn thờ và nặng lòng là triều Lê đã sụp đổ, đã tan thành mây khói từ rất lâu. Trong tâm hồn nữ sĩ, chữ “quốc” chính là triều Lê vàng son thủa trước. Nhớ nước thực chất chính là niềm hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan về một triều đại đã trở thành quá vãng mà lòng bà chưa dứt được để chấp nhận một vương triều mới. Hai câu thơ đối nhau chỉnh tề diễn tả tâm trạng nữ sĩ canh cánh hai nỗi niềm ưu tư: nhớ nước và thương nhà cân bằng nhau, nỗi niềm nào cũng da diết sâu nặng. Tâm sự không hoàn toàn nấp vào trong cảnh mà được bộc lộ rõ ràng, trực tiếp qua những từ như “đau lòng”, “mỏi miệng”, cho thấy những tình cảm ấy của nhà thơ đã tuôn tràn không thể ngăn giữ được. Bức tranh Đèo Ngang bởi thế thấm đẫm nỗi buồn

Xem thêm:  Miêu tả một cảnh đẹp mà em đã gặp trong mấy tháng nghỉ hè (tả cánh đồng quê)

Dừng chân đứng lại trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

Hai câu thơ cuối bài dựng lên ấn tượng về sự đối sánh giữa nhân vật trữ tình và thiên nhiên vũ trụ. Câu thơ không chỉ cho người đọc thấy hướng nhìn của nữ sĩ lúc đặt chân đến Đèo Ngang (trông lên chỉ thấy trời, trông ngang thấy núi, trông xuống thấy nước, một khung cảnh hoàn toàn chỉ có thiên nhiên, chẳng thấy bóng con người) mà còn biểu lộ một tư thế của nhà thơ. Dường như nữ sĩ đã đặt mình đối diện ngang tầm với thiên nhiên rộng lớn để cảm nhận sâu sắc hơn sự cô đơn của mình. Chỉ có mình với thiên nhiên vĩ đại. Nỗi cô đơn ấy đã biến nhân vật trữ tình thành một hình tượng lớn lao. Con người đã mang nỗi cô đơn to lớn của mình và đối diện cùng vũ trụ và cảm thấy mình ngang tầm vũ trụ. Trong hoàn cảnh ấy, nỗi niềm tâm sự của nữ sĩ không biết san sẻ cùng ai. Cụm từ “ta với ta” kết thúc bài thơ không hề giống cụm từ “ta với ta” được Nguyễn Khuyến sử dụng trong “Bạn đến chơi nhà”. Ở Nguyễn Khuyến, “ta với ta” là ta với bạn, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Tình cảm gắn bó sâu nặng thấu hiểu nhau, tri âm tri kỉ với nhau nên có gì cũng san sẻ được. Ở bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan thì “ta với ta” là mình với chính mình, không có ai chia sẻ. Mọi nỗi niềm chỉ một mình mình biết một mình mình hay. Câu thơ khép lại bài thơ bằng nỗi cô đơn mênh mông của nhân vật trữ tình. Nỗi cô đơn toả chiếu vào vũ trụ. ” “Qua Đèo Ngang” là bài thơ vịnh cảnh những bức tranh phong cảnh Đèo Ngang dù hiện lên với những nét đặc trưng nên thơ và vắng vẻ nhưng đằng sau cảnh là ăm ắp tình. Nỗi buồn, tâm sự u hoài, nỗi niềm hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan đã tỏa chiếu vào cảnh vật khiến cảnh đẹp mà thấm buồn. Một nỗi buồn sang trọng và trang nhã như hồn thơ của nữ sĩ. “Qua Đèo Ngang” xứng đáng là một trong những kiệt tác của nền văn học Việt Nam trung đại.

Theo Yeuvan.com

Topics #Bà Huyện Thanh Quan #Bạn đến chơi nhà #Cảm nghĩ #Cảm nhận #con đường #con người #gia đình #hoàng hôn #nguyễn khuyến #phát biểu cảm nghĩ #quê hương #tả cảnh #thời gian #tình yêu #tình yêu thương #văn học