Nghị luận xã hội về lòng yêu nước – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Nam

Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu thăng trầm bể dâu mới có được hòa bình và nền độc lập như hôm nay. Đó là nhờ vào sự nỗ lực cống hiến cũng như tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước sâu sắc của mỗi thế hệ. Cho đến ngày nay, lòng yêu nước vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng cần được trân trọng và phát triển hơn nữa.

Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước; nỗ lực cố gắng không ngừng để dựng xây và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Lòng yêu nước là tình cảm cao cả, thiêng liêng của mỗi người dành cho quê hương đất nước. Đó là yêu sông, yêu núi, yêu làng, yêu xóm, yêu người dân sống trên mảnh đất hình chữ S. Tình cảm ấy đơn giản, gần gũi và nằm ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người.

Biểu hiện của lòng yêu nước không phải là những thứ quá cao xa, nó nằm ngay ở ý thức và hành động của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến, lòng yêu nước chính là đứng lên, cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù. Mọi khó khăn, gian khổ đều không ngần ngại, xông lên phía trước dành lại độc lập tự do cho nhân dân. Lòng yêu nước lúc đó mạnh mẽ và quyết liệt. Đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân tương ái, cùng nhau chống lại kẻ thù. Chiến tranh ác liệt nhưng như Bác Hồ từng nó thì “lòng yêu nước có thể nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”.

Lòng yêu nước lúc đó chính là cố gắng không ngừng nghỉ, cố gắng ngày và đêm để giữ lấy độc lập của đất nước. Quân thù hung ác nhưng ý chí chiến đấu của nhân dân càng phải quyết tâm. Tình yêu nước nồng nàn và tha thiết đó là vũ khí để chiến thắng kẻ thù.

Trong thời bình, lòng yêu nước thể hiện ở việc chung ta xây dựng xã hội chủ nghĩa, mang lại cuộc sống no đủ cho nhân dân và sự vững bền cho đất nước.

Tình yêu mà chúng ta dành cho làng quên yên bình, cho những dòng sông đổ nặng phù sa, cho bãi mía nương dâu. Nhà văn Ê ren bua từng nói “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương tạo nên lòng yêu Tổ quốc”. Những tình yêu tưởng chừng như bình dị như vậy nhưng lại tạo nên một tình yêu lớn lao và cao cả hơn.

Mỗi chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lúc lớn khôn và trưởng thành thì gia đình là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ. Đó là nơi chúng ta cần yêu thương đầu tiên. Mai này chúng ta lớn lên có trường học, xã hội, những người bạn xung quanh. Chúng ta cần phải san sẻ tình yêu thương của mình cho tất cả mọi người nếu có thể. Đôi khi lòng yêu nước chỉ là tình cảm đơn giản, bình dị như vậy nhưng lại có ý nghĩa rất lớn.

Đất nước ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội, thế hệ trẻ cần phải cống hiến và chung tay xây dựng đất nước phát triển hơn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì cần phải cố gắng chăm học, rèn luyện không ngừng để trở thành người công dân tốt cho xã hội.

Lòng yêu nước của mỗi công dân sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Xung quanh chúng ta còn có rất nhiều mảnh đời cần sự sẻ chia và giúp đỡ. có những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, bị bố mẹ bỏ rơi, những cụ già neo đơn hoặc bị con cái ngó lơ. Họ cần được yêu thương và sẻ chia. Chúng ta hãy dang rộng vòng tay để yêu thương họ, kêu gọi xã hội yêu thương họ bằng những hành động thiết thực nhất.

Tuy nhiên bên cạnh những người tràn đầy tinh thần yêu nước thì vẫn có những phần tử cố ý chống lại đất nước, chống lại chính quyền. Đó là những kẻ đi theo chủ nghĩa xuyên tạc, nói xấu đảng và chính phủ. Cần phải xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp này để mang lại sự yên ổn của xã hội.

Như vậy, lòng yêu nước trong xã hội này là cần thiết đối với mỗi con người. Chúng ta cần phải rèn luyện tinh thần này thường xuyên để dựng xây và cống hiến cho đất nước.

Nghị luận xã hội về lòng yêu quên hương đất nước – Bài làm 2

Lòng yêu nước là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ thời các vua Hùng dựng nước, thời Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đến thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, ông cha ta đã phải đương đầu với biết bao âm mưu xâm lược của kẻ thù lớn từ phương Bắc cũng như phương Tây… Bằng lòng yêu nước nồng nàn nhân dân ta đã đoàn kết thống nhất tạo thành sức mạnh vĩ đại chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược giành lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc Việt Nam ta như ngày hôm nay. Có thể thấy, “lòng yêu nước” nó đã ăn sâu vào trong tư tưởng, ý thức, trở thành bản năng của mỗi người dân Việt Nam ta. Vậy mà, có một số kẻ tự coi mình là nhà “chính trị”, nhà “yêu nước chân chính” lại không hiểu được cái định nghĩa “lòng yêu nước chân chính” là gì mà lợi dụng nó vì mục đích cá nhân bỉ ổi, đê hèn của mình. Một số khác vì mụ mị mà bị lợi dụng bởi những kẻ lợi dụng lòng yêu nước.

Trong các bài viết, lời kêu gọi, thậm chí là tuyên ngôn của mình, những người đang chơi trò chơi “chính trị” kia đã đánh tráo khái niệm yêu nước chân chính, tầm thường hóa lòng yêu nước đích thực của dân tộc ta. Làm sao họ có thể “gán” cho những hành động điên cuồng, những phát ngôn thiếu trách nhiệm, những hành vi sai trái đi ngược lợi ích cộng đồng kia là một khái niệm thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam ta là lòng yêu nước? Làm sao họ có thể mang lòng yêu nước ra để kích động giới trẻ, lôi kéo họ vào những suy nghĩ và hành động đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước và nhân dân? Hành vi đầu độc lớp trẻ như vậy khác gì là một tội ác nguy hiểm?

Nói đến lòng yêu nước, nhiều người trong chúng ta sẽ nhớ ngay đến tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa vào sách giáo khoa, như một áng hùng văn khái quát và đúc kết nét đặc trưng của truyền thống dân tộc. Đó là tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, có đoạn: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Sự khái quát ấy, ở một góc độ nào đó còn giống như di huấn tinh thần để chúng ta vững tâm hơn, cùng nhau bình tĩnh trước nguy nan và cùng nhau hun đúc, trau chuốt thêm chiếc “nỏ thần vô hình” có sức mạnh vạn năng trong bảo vệ Tổ quốc, đó là “lòng yêu nước”. Đó mới là thái độ tinh thần đúng đắn chứ không phải yêu nước theo kiểu hồ đồ đi kèm với những hành động sai trái, bất chấp kỷ cương và pháp luật!

Cũng cần nhắc lại lòng yêu nước là gì và những biểu hiện cụ thể của nó ra sao để khu biệt, nhìn nhận những nhân vật và hành động đang được nhiều trang mạng và tổ chức phản động tung hô? Trong sách giáo khoa Giáo dục công dân của học sinh phổ thông đã đề cập tương đối ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ. Theo đó, lòng yêu nước là tình cảm yêu quý, gắn bó, tự hào về quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết tài năng, trí tuệ của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Các biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam ta bao gồm: Tình cảm gắn bó với quê hương đất nước; tình thương yêu đối với đồng bào, giống nòi, dân tộc; niềm tự hào dân tộc chính đáng; đoàn kết, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ chủ quyền dân tộc và nền độc lập tự do của Tổ quốc; cần cù và sáng tạo trong lao động để xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Xem thêm:  Đóng vai Lê Thận kể lại chuyện Sự tích Hồ Gươm - Văn mẫu lớp 6

Nói một cách đơn giản và cụ thể hơn thì yêu nước là “yêu những vật tầm thường nhất, yêu người thân, yêu Tổ quốc” và tình cảm ấy có những cung bậc, những cách thể hiện khác nhau trong hai thời kỳ khác nhau: Thời bình và thời chiến. Đây cũng là một chủ đề được bàn luận khá sôi nổi trên internet gần đây.

Tôi xin trích ý kiến của một bạn trẻ về lòng yêu nước, có thể chưa đầy đủ nhưng rất đáng suy ngẫm về những giá trị đích thực của lòng yêu nước: “Thực tế, đã có không ít thanh niên nghĩ rằng phải làm một việc gì thật to lớn cho Tổ quốc mới là yêu nước. Nhưng họ đâu hiểu rằng lòng yêu nước biểu hiện qua từng hành động, việc làm hằng ngày của mỗi chúng ta. Bạn cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình, đó là yêu nước. Lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình, gắn bó và cống hiến hết mình vì công việc, đó là yêu nước. Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu chính đáng, đó là yêu nước. Có khi lại là việc nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, không hủy diệt muông thú. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, cũng là biểu hiện của lòng yêu nước… Lòng yêu nước chân chính không nhất thiết phải hô, hét thật lớn để cho tất cả mọi người biết mà quan trọng là tính tự giác trong mọi hành động, việc làm của mỗi chúng ta. Có những thanh niên nhận thức lệch lạc, ngồi một chỗ kêu ca, oán thán với nhau rằng, sao Việt Nam lại nghèo nàn, lạc hậu so với các quốc gia khác vậy; một số thì chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, tự do cá nhân, vô tổ chức. Những người đó tự cho mình cái quyền phán xét nhưng lại không có tí trách nhiệm nào với cộng đồng, xã hội…”.

Mỗi người dân Việt Nam ta, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta hãy cũng suy ngẫm và bằng sự hiểu biết của mình để xác định đâu là đúng đâu là sai và tự trang bị cho mình một “vắc xin đề kháng” đó là nhận thức đúng đắn về “lòng yêu nước chân chính”. Khi đã có nhận thức đúng đắn thì mỗi cá nhân hãy lên tiếng để phán bác lại luận điệu tuyên truyền sai trái của bọn phản động bán nước, để không có thêm một bạn trẻ nào nữa bị lầm đường lạc lối, tự mình bán rẻ danh dự và tiền đồ của mình. Và hơn hết chúng ta cần biến truyền thống quý báu này thành những hành động, việc làm cụ thể để phát huy truyền thống tốt đẹp đó, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, đập tan mọi âm mưu chống phá cách mạng ta của các thế lực thù địch.

Nghị luận xã hội về lòng yêu nước – Bài làm 3

Dân tộc Việt Nam chúng ta trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm chống lại những cuộc xâm lăng vô nghĩa, lập nên những trang sử oai hùng. Trong rất nhiều những yếu tố góp nên thành công ấy, chúng ta phải kể đến lòng yêu nước dạt dào trong mỗi trái tim của người con đất Việt. Giờ đây, khi đất nước đứng trước những thử thách mới của một thời đại phát triển, lòng yêu nước được thể hiện như thế nào?

Thật vậy, lòng yêu nước đóng một vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của một đất nước. Ta hiểu đơn giản lòng yêu nước chính là việc yêu những thứ nhỏ bé, giản dị, bình thường của quê hương đất nước. Những hàng tre xanh, dòng sông, xóm làng,… Từ những cái nhỏ bé ấy đã giúp chúng ta thêm yêu và gắn bó hơn với quê hương và đất nước của mình. Con người dù đi đến đâu, về đâu đều hướng về đất nước, quê hương. Quê hương, đất nước không chỉ là nơi dạy dỗ cho chúng ta nên người, mà còn mang đến những điều thú vị, dạy chúng ta từng bước đi vững chắc trong cuộc sống. Vì vậy đất nước luôn để lại một ấn tượng cho mỗi con người, làm cho mọi người yêu đất nước hơn. Những con người có lòng yêu nước luôn chất chứa những tình cảm đẹp đẽ, hướng về đất nước và ra sức để giúp cho đất nước ngày càng phồn vinh. Những con người đó luôn tự hào về đất nước.

Quê hương đất nước là bàn đạp giúp con người đạt được những thành công. Ngay từ khi còn bé, mỗi người dân Việt Nam đều đã được cha mẹ xây dựng và phát triển tinh thần yêu nước từ những giai điệu, lời hát, lời ru à ơi,… Ngày nay cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cùng với sự du nhập của những giá trị văn hóa trên thế giới, những truyền thống dân tộc bị mai một và bị biến đổi; nhưng truyền thống yêu nước của dân tộc sẽ không bao giờ bị thay đổi, nó như một ngọn lửa âm ỉ cháy trong tâm hồn mỗi con người và khi có điều kiện hoàn cảnh, thử thách sẽ được bùng cháy. Trong thời gian vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, những người con đất Việt ở khắp mọi miền đất nước và ở hải ngoại đã bộc lộ rõ lòng yêu nước luôn luôn bùng cháy trong tâm hồn họ. Họ đoàn kết lại, chung lòng phản đối mãnh liệt hành động sai trái và tư tưởng lệch lạc của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong những ngày qua, trên các trang mạng đang xuất hiện những lời kêu gọi mọi người tiến hành đấu tranh, xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc. Tuy nhiên một số kẻ cơ hội, lợi dụng điều đó để thực hiện ý đồ bẩn thỉu của chúng thành những cuộc biểu tình chống chính quyền. Đây chính là những âm mưu thủ đoạn dơ bẩn, đáng lên án, những kẻ này đã lợi dụng lòng yêu nước của mọi người, một tình cảm thiêng liêng và đã làm nhơ bẩn nó.
Tóm lại, chúng ta cần phải luôn cảnh giác với những hành động này và tránh xa nó. Cần phải thể hiện lòng yêu nước đúng lúc, đúng chỗ. Và bản thân tôi cũng phải nuôi dưỡng và phát triển lòng yêu nước cho bản thân để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp và vững mạnh.

Nghị luận xã hội về lòng yêu nước – Bài làm 4

Yêu nước, yêu quê hương gia đình là những tình cảm tốt đẹp nhất, cao quý nhất. Trước cảnh sơn hà nguy biến, trưóc họa xâm lăng, lòng yêu nước chân chính có thể trào lên những cảm xúc bồng bột, mãnh liệt. Nhưng có lúc, có nơi, có người, trước họa xâm lăng, trước cảnh núi xương sông máu của dân tộc, trước cuộc chiến đấu dữ dội và trường kỳ, tình yêu nước có thể bị phai nhạt dần, những hành vi nhất thời, những cảm xúc bồng bột lúc đầu không còn hừng hực nữa. Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, ai cũng cảm thấy rõ sự thật lịch sử đó.

Xem thêm:  Phân tích tình yêu quê hương của tác giả qua truyện ngắn Hai cây phong

Lòng yêu nước vốn có tính truyền thống, được nuôi dưỡng, kế thừa và phát triển cua dân tộc qua bốn nghìn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng là lòng yêu nước chân chính, “bao giờ cũng thuộc về nguồn tình cảm bền vững, gắn với những cống hiến suốt đời".

Cậu bé làng Phù Đổng phi ngựa sắt ra trận, cầm roi sắt xông vào lũ giặc Ân; khi roi sắt bị gãy bèn nhổ tre làm vũ khí, quật cho lũ giặc cướp nước tơi bời: “Đứa thì sứt mũi sứt tai / Đứa thì chết nhóc bởi gai tre ngà!". Trần Quốc Toản xông xáo giữa trận tiền “sát Thát" với thanh bảo kiếm và lá cờ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân". Trần Quốc Tuấn ra trận với chí khí gang thép, với lời thề bốc lửa: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù! Dẫu cho trăm thây này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lồng!". Vân vân… Đó là những nguồn tình cảm bền vững thấm sâu vào tâm hồn của con người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử, mới có thể “gắn những cống hiến suốt đời" với Tổ quốc và nhân dân, làm nên truyền thống anh hùng của dân tộc:

Dân ta gan dạ anh hùng,

Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn!

(Tố Hữu)

Khi đất nước có giặc ngoại xâm, cả dân tộc quật khởi đứng lên, ào ào ra trận với ngọn giáo, mũi tên, với gậy tầm vông, với muôn ngàn vũ khí. Máu của nhân dân làm đỏ thắm lá cờ Tổ quốc.

Thời bình, đồng bào lại chung sức chung lòng, đem mồ hôi và trí lực xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, làm cho đất nước ta “mười lần dẹp hơn ”, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Tổ tiên, ông cha đã để lại cho con cháu muôn đời mai sau một giang sơn gấm vóc; các thế hệ của dân tộc nguyện bảo tồn và gìn giữ, thực hiện đúng lời Bác Hồ đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lòng yêu nước của nhân dân ta làm nên sức mạnh Việt Nam. Lòng yêu nước của nhân dân ta làm nên vẻ đẹp nền văn hiến Đại Việt, làm cho nền văn minh sông Hồng tỏa sáng.

Thế hệ trẻ dân tộc, trong bất cứ thời đại nào cũng là lớp người tiên phong, chiến sĩ xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chủ tịch có viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Đang ngồi trong phòng thi giữa ngày hè 2017, sau khi bàn luận về lòng yêu nước, tôi vô cùng xúc động và thấm thìa lời dạy trên đây của Bác Hồ kính yêu; tôi nguyện nỗ lực thực hiện đúng lòi dạy của Bác.

Nghị luận xã hội về lòng yêu nước – Bài làm 5

Cuộc đời mỗi con người bao giờ cũng gắn liền với một quê hương, xứ sở, một đất nước. Có thể nào sống giữa xứ sở, quê hương đó mà không hề gắn bó, yêu thương? Ngày bé thơ, chúng ta còn ngây ngô chưa hiểu:

"Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?"

Nhưng khi đã lớn khôn, có lẽ ai cũng có thể cảm nhận một cách sâu sắc về tình yêu đất nước trong mình.

Đất Nước – hai tiếng ấy gợi nhắc chúng ta biết bao điều thiêng liêng, ấm áp. Tổ tiên, nguồn cội chúng ta ở đâu? Chúng ta sinh ra, lớn lên, già yếu và chết đi ở đâu? Nơi nào cho ta cuộc sống của chính bản thân mình?

Đó chính là Đất Nước. Yêu nước, yêu Tổ quốc là tình cảm quý báu luôn thường trực trong mỗi trái tim Việt Nam. Tự nó đã đan dệt thành lịch sử, và có thể nói, lịch sử dân tộc Việt cũng chính là lịch sử của lòng yêu nước. Tình yêu đất nước là tình cảm gắn bó sâu nặng giữa con người với quê hương, dân tộc. Nó không chỉ là sự cố kết giữa con mười với nơi “chôn nhau cắt rốn", với manh đất mình sinh ra, lớn lên mà nó còn là sự dao kết giữa tâm hồn mỗi người dân với linh hồn dân tộc.

Nếu đột nhiên có ai đó hỏi bạn có yêu nước không? Hãy tự tin trả lời bằng một câu khẳng định, bởi lẽ yêu nước không nhất thiết là cầm súng, gươm tranh đấu với kẻ thù. Thời bình người ta thể hiện lòng yêu nước khác với thời chiến.

Thời phong kiến yêu nước là phải gắn liền với “trung quân”, “tề gia trị quốc” thì ngày nay yêu nước lại gắn liền với yêu lý tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa. Tình yêu đất nước như một viên đá ngũ sắc, mỗi cạnh mỗi mặt của nó có một màn lung linh khác nhau. Mỗi thời đại sẽ làm cho viên đá đó mang những màu sắc khác biệt.

Khi bạn say mê trước một thắng cảnh của đất nước, khi bạn tích cực bình chọn để Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới hiện đại hay khi bạn biết và trăn trở trước vấn đề biển Đông – một trong những vấn đề đang từng ngày, từng giờ nóng dần trên các diễn đàn, trang mạng hay báo chí và cầm bút để viết lên những dòng cảm xúc của mình để gửi đến Trường Sa thân yêu… thì chính lúc đó tình yêu đất nước trong bạn đang hiện rõ. Khi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, khi các nhà Thơ mới viết những câu thơ, bài thơ thật hay ngợi ca vẻ đẹp quê hương Việt Nam, đó cũng đúng là lúc cảm hứng nghệ thuật của các nghệ sĩ đang thăng hoa trong tình yêu đất tước. Không yêu, không gắn bó với mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, làm sao cụ Tam Nguyên có thế viết chùm thơ thu tuyệt bút, phác nên khung cảnh tuyệt đẹp của miền quê Mệt Nam:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước ngõ khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
(Thu điếu)

Nếu chỉ thuần tuý là tài năng, liệu rằng nữ sĩ Anh Thơ có thể phác được bức hoạ thiên nhiên bằng ngôn từ đẹp thế này:

Ngoài bờ đê cỏ non tràn biếc cỏ
Bầy sáo đen xà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
(Chiều xuân)

Yêu thiên nhiên chính là biểu hiện của lòng yêu nước – một biểu hiện không cầu kì, ồn ào mà hết sức giản dị, tự nhiên.

Nhưng tình yêu đất nước không chỉ được đan dệt bằng tình yêu thiên nhiên. Yêu nước còn được biểu hiện bằng niềm tự hào dân tộc. Người Việt Nam có rất nhiều điều đáng tự hào về quê hương, đất nước mình. Chúng ta vẫn nhắc lại cho nhau nghe những chiến công oanh liệt trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bằng chứng là chúng ta có rất nhiều câu chuyện, nhiều áng văn thơ ngợi ca tinh thần đấu tranh ngoan cường của nhân dân, dân tộc. Bằng chứng là chúng ta có rất nhiều bảo tàng lưu giữ những kỉ vật khắc ghi chiến công của các anh hùng, nghĩa sĩ, chiến sĩ đã đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc… Niềm tự hào không chỉ in dấu trong các chiến công oanh liệt mà còn in đậm ở truyền thống văn hoá. Đọc Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, người đọc bắt gặp rất nhiều di tích văn hoá – lịch sử lâu đời của dân tộc: những ngôi chùa, mái đình, những làng nghề cổ truyền… Gắn với mỗi di tích ấy là bao truyền thuyết lịch sử, lễ hội đầu xuân, lời ca điệu hát truyền lại từ đời này sang đời khác… Mạch thơ tuôn trào không đứt cùng với niềm tự hào khốn tả:

Xem thêm:  Em hãy viết đoạn văn miêu tả bốn mùa trong năm

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Càng yêu mến, càng tự hào về quê hương giàu đẹp, trù phú bao nhiêu, người Việt Nam càng căm thù bè lũ cướp nước, bán nước bấy nhiêu. Đất nước bốn nghìn tuổi cũng là đất nước bốn nghìn năm kiên cường đấu tranh giữ nước:

Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh.
(Đất Nước- Nguyền Khoa Điềm)

Bốn nghìn năm đó biết bao người đã ngã xuống "Để Đất Nước này là đất Nước của nhân dân". Hi sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ từng gốc lúa, bờ tre cho Tổ quốc, ý chí chiến đấu đó đã đưa mỗi người con đất Việt đi tới chiến thắng trước mọi bè lù xâm lãng hung hãn nhất.

Đất nước hoà bình, "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” viên ngũ sắc yêu nước lại mang sắc màu lung linh khác. Ý thức về vận mệnh dân tộc vẫn được giương cao nhưng mỗi người tự khắc nhận thức được vai trò của minh đối với sự nghiệp canh tân đất nước. Học sinh thi đua học tốt, giáo viên thi đua dạy tốt, nông dân thi đua canh tác vụ mùa bội thu, công nhân thi đua lao động sản xuất, các chiến sĩ nơi biên thùy vẫn chắc tay súng… Ai ai cũng cố gắng hết sức để góp phần nhỏ bé trong công cuộc dựng xây đất nước. Những huy chương từ các cuộc thi Olympic Vật lí, Toán học quốc tế, từ các đại hội thể thao khu vực, những thành tựu trên các mặt trận kinh tế, văn hoá, khoa học kĩ thuật,,, các năm gần đây chẳng phải được xây dựng nên từ lòng yêu nước, từ ý chí, tinh thần chiến đấu, lao động vì màu cờ sắc áo của dân tộc sao? Đất nước bốn nghìn năm tuổi nhưng ngày càng trẻ ra, ngày càng hiện đại, văn minh hơn. Đó là nhờ bao bàn tay yêu nước không ngừng chung sức đắp xây đất nước. Sự nỗ lực của mỗi cá nhân đã góp phần vinh danh cho dân tộc, góp phần đưa Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.

Như vậy, có thể hiểu một cách nôm na, yêu đất nước là yêu tất cả những gì đẹp đẽ thuộc về xứ sở quê hương, là không ngừng giữ gìn, xây đắp cho tổ quốc thêm giàu mạnh, là không ngừng chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác có nguy cơ xâm hại đến quốc; gia…

Tình yêu đất nước là tình yêu muôn màu. Nó thường trực trong mỗi con người và không nhất thiết phải được bộc lộ, biểu hiện như nhau. Tình yêu đất nước tiềm chứa trong nó sức mạnh cực kì to lớn. Nó là bệ đỡ tinh thần cho mỗi người trong cuộc sống này. Tại sao “đất nước” vẫn là chủ đề bất tận để các nhạc sĩ, hoạ sĩ, các nhà thơ, nhà văn mọi thời đại, mọi thế hệ nối tiếp nhau sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật? Tại sao kiều bào Việt Nam sóng ở nước ngoài luôn hướng về đất nước? Tại sao những người con xa Tổ quốc đó, lúc về già luôn ao ước được yên nghỉ tại quê hương bản quán? Chính tình yêu đất nước đã nuôi dưỡng tâm hồn họ, dẫn bước cho họ vững vàng trong hành trình sống.

Không chỉ nâng đỡ tinh thần con người, lòng yêu nước còn là đòn bẩy khiến mỗi chúng ta sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với quê hương, dân tộc và với chính bản thân mình. Thực ra, ở mỗi người, khát vọng vinh danh cho quê hương đất nước không khi nào tách rời khát vọng vinh danh cho chính bản thân cá nhân. Chúng ta say mê học tập, lao động vì chính mình nhưng những thành quả mà ta đạt được sẽ điểm tô cho non sông đất nước. Học thức, tài năng của những sứ thần như Mạc Đỉnh Chi chẳng phải đã khiến vua quan Trung Quốc phải kinh ngạc, nể phục đó sao? Mỗi tấm bia khắc tên tuổi các vị trạng nguyên trong Văn Miếu Quốc Tử Giám đâu chỉ có ý nghĩa tôn vinh tài học của họ? Nguyên khí quốc gia là ở đó, Lòng yêu nước đã thôi thúc họ say mê học tập, thôi thúc họ làm rạng danh cho đất nước. Lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã khiến các nước đế quốc phải chùn nhụt bước chân xâm lược. Nó là yếu tố cốt lõi nhất mang lại sự trường tồn vĩnh cửu cho giang sơn, tổ quốc này. Sức mạnh của tình yêu đất nước là vô biên, tuyệt đích, là bất khả xâm phạm. Nhận thức được điều đó, chúng ta càng nên gìn giữ, vun đắp để tình yêu đất nước mãi cháy sáng trong ta, để sức mạnh này càng nhân lên gấp bội trong cộng đồng dân tộc.

Nhận thức được sức mạnh của tình yêu đất nước, mỗi chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định cho mình ý thức bồi dưỡng tình cảm đó. Với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, anh “tự nguyện” dâng hiến cuộc đời mình: "Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đoá hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người tôi sẽ chết cho quê hương. Tất nhiên, chết cho quê hương là cách nói hình ảnh, thể hiện sự cống hiến trọn vẹn cho đất nước, cho dân tộc. Thế hệ trẻ chúng ta có muôn vàn cách để chứng tỏ tình yêu quê hương, tổ quốc trong mình. Vũ khí trong tay chúng ta là sức mạnh tuổi trẻ, nhiệt huyết thanh xuân, là tri thức vững vàng, là nhân cách đạo đức trong sáng. Không có lý do gì để chúng ta không noi gương tinh thần yêu nước của cha anh. Không có lý do gì để chúng ta không hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ học tập của mình. Không có lý do gì để chúng ta không làm giàu cho quê hương, đất nước bằng sức lao động chân chính. Và càng không có lý do gì để chúng ta không thể đối diện chiến đấu với những tệ nạn đang nảy nở trong cuộc sống hôm nay.

Chắc chắn mỗi người dân Việt Nam ai cũng mang trong mình tình yêu đất nước. Nhưng làm thế nào để tình yêu đó ngày càng nồng nàn, tha thiết, ngày càng mãnh liệt hơn – đó là điều ai cũng cần tự giác nhận thức và tìm cho ra câu trả lời. "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay" – lời ca ấy cũng chính là thông điệp nhắc nhở chúng ta nên quên đi “cái tôi” ích kỉ của mình để sum vầy cùng dựng xây đất nước.

Topics #bố mẹ #Cảm nhận #chiến thắng #chiến tranh #cơ hội #con đường #con người #cuộc sống #Đất nước #giới trẻ #hiện đại #học sinh #học tập #lao động #lối sống #lòng yêu nước #nghị luận xã hội #nguyễn du #nguyễn khuyến #Những đứa trẻ #noi gương #suy nghĩ #tệ nạn #thế hệ trẻ #thời gian #Thu điếu #tố hữu #Trần Quốc Tuấn #trường học #tự tin #Tuổi trẻ #văn miếu #văn minh #Vịnh Hạ Long