Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ chồng A Phủ

Hướng dẫn

Đề bài: Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, hãy phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

***

Top 3 bài văn tham khảo hay nhất phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của “Vợ chồng A Phủ”

Bài số 1:

Tô Hoài trước 1945 nổi tiếng với tiểu thuyết “Dế mèn phiêu lưu ký”. Đi theo Cách mạng rồi đi kháng chiến chống Pháp, Tô Hoài hoạt động ở vùng rừng núi Tây Bắc. Kết quả rực rỡ của chuyến đi thực tế dài ngày đó là tập “Truyện Tây Bắc” ra đời, được giải nhất giải thưởng Hội Văn Nghệ Việt Nam 1954 – 1955. “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm hay nhất trong trong truyện “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài. Truyện đã diễn tả quá trình giác ngộ và vùng dậy chống phong kiến và đế quốc của các dân tộc Tây Bắc dưới sự lãnh đạo vủa Đảng. “Vợ chồng A Phủ” cũng là kết quả của một quá trình chuyển biến đến độ chín muồi của tư tưởng và tình cảm nhà văn. Tình cảm của tác giả đã quyện lẫn với tình cảm của dân tộc anh em một cách chan hòa tự nhiên, đó là tấm lòng biết ơn, thủy chung, tình nghĩa đối với các vùng du kích đã tiếp tế che chở cho cán bộ, bộ đội hoạt động ở vùng địch hậu Tây Bắc.

Vợ chồng A Phủ” tố cáo sâu sắc tội ác của bọn phong kiến miền núi Tây Bắc đối với các dân tộc vùng cao. Tác phẩm đã nói lên một cách đau xót nỗi thống khổ bao đời của các dân tộc anh em ở Tây Bắc dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và bè lũ tay sai là quan lang, quan châu, phìa (Thái), tạo (Mường), thống lí (H’Mông). Dưới chế độ thống trị tàn bạo man rợ của bọn thống lí, quan bang, những người đi ở trừ nợ như A Phủ, làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí như Mị là những “kiếp trâu ngựa”, khốn khổ, nhục nhã ê chề. Thật ra những kiếp người như Mị, như A Phủ là những kẻ nô lệ ở vùng cao. Bọn thống lí là một thứ “vua” ở vùng cao, chúng có quyền sinh quyền sát đối với người dân Tây Bắc.

Chúng có quyền bắt bớ, đánh đập, bắt làm nô lệ, gả bán, thậm chí có thể giết người một cách dã man (trong truyện có nhắc đến một người con gái bị trói đứng rồi chết và A Phủ thì suýt chết). Chỉ trong một truyện ngắn mà tác giả đã mô tả được bức tranh toàn cảnh về giai cấp thống trị Tây Bắc, giá trị hiện thực của tác phẩm thật là sâu sắc. Mị là một cô gái đẹp (tả gián tiếp ví như những đêm tình mùa xuân, con trai đến đứng nhẵn đầu buồng Mị…), tài hoa (biết thổi khèn, thổi sáo, thổi lá cũng hay như thổi khèn) và giàu tình cảm. Vẻ đẹp của Mị gợi nhớ Kiều. Sinh ra trong một gia đình nghèo, Mị bị A Sử, con trai thống lí cướp về làm vợ để trừ nợ. Mị là vợ của A Sử nhưng thực ra chỉ là một người đầy tớ, một nô lệ của gia đình thống lí. Mị lặng lẽ như một con rùa trong xó cửa, quanh năm chỉ biết vùi đầu vào những công việc lao động nặng nhọc “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp… Bao giờ cũng thế, suốt đời suốt năm như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào làm việc cả đêm, cả ngày”. Ngày tết, A Sử trói Mị trong buồng tối rồi rủ bạn đi chơi. Tô Hoài, qua nhân vật Mị còn phản ánh những tập tục man rợ của các dân tọc vùng cao. Người đàn bà khi bị cướp về trình ma thì vô hình người đàn bà (mà Mị là điển hình) đã trói cả đời mình vào nhà ấy. Nếu chẳng may chồng chết thì người ấy phải làm vợ người khác trong nhà, có khi là một người anh chồng già lụ khụ, có khi là một người em chồng còn ở tuổi trẻ con, và nếu chồng lại chết, lại vẫn phải ở với một người đàn ông khác vẫn trong nhà ấy…Phải suốt đời ở trong nhà ấy. Mị chết dần chết mòn ở trong nhà của thống lí. Ngoài những lúc còng lưng làm việc như con trâu, con ngựa thì Mị lại bị nhốt trong cái buồng kín mít chỉ được nhìn ra ngoài qua một cái

“lỗ vuông bàng bàn tay, lúc nào trông ra cũng thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”.

A Phủ là chàng trai H’Mông nghèo khỏe mạnh, chạy nhanh như ngựa, săn bò tót rất giỏi. Con gái trong bản rất thích A Phủ, “đứa nào lấy được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà”. A Phủ cũng là một thanh niên yêu tự do. Ngày Tết, A Phủ rủ bạn đi chơi đánh pao, A Sử đến phá đám bị A Phủ đánh. Thống lí Pá tra bắt A Phủ đánh đập, hành hạ, phạt vạ một trăm đồng bạc trắng. A Phủ phải ở cho thống lí trừ nợ. Thế là trong nhà thống lí có thêm một con người bất hạnh nữa làm nô lệ. Mị thì làm tôi tớ trong nhà, còn A Phủ thì làm tôi tớ ngoài rừng. “Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. A Phủ một mình ngoài rừng, trên núi cao đốt nương chăn bò, săn bò tót… Chẳng may một lần động rừng, hổ xuống ăn mất một con bò. Thống lí đã bắt A Phủ trói đứng suốt ngày đêm ngoài trời. Đó thể nói cha con thống lí Pá Tra và bọn tay chân như lí dịch, quan lang, xéo phải… là những điển hình cho giai cấp thống trị tàn bạo, man rợ của vùng cao Tây Bắc. Mị và A Phủ – Hai số phận bi thảm là hiện thân của thứ nô lệ của chế độ phong kiến man rợ ở Tây Bác. Nhưng Tô Hoài không dừng lại ở việc phản ánh bản chất tàn bạo, dã man của giai cấp thống trị Tây Bắc, nhà văn còn đi sâu vào bản chất của cuộc sống của dân tộc vùng cao, phản ánh sức sống mãnh liệt của các dân tộc Tây Bắc và sự vùng dậy chiến thắng của các dân tộc Tây Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Mị bị trói buộc, bị chà đạp nặng nề, nhưng trong sự câm lặng của Mị tiềm tàng một sự sống mãnh liệt. Ngày Tết, Mị cũng muốn đi chơi, nhưng bị A Sử trói vào cột nhà, quấn tóc vào cột. “Cả đêm Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa”. Sự đàn áp tàn bạo ấy cũng không thể nào dập tắt được sức sống của tuổi xuân, không thể nào dập tắt được ngọn lửa của tình yêu. Đau khổ ê chề như thế, nhưng chỉ nhìn thấy A Phủ bị trói là Mị lại động lòng, thương. “Trời ơi, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi…Người kia việc gì phải chết thế”. Đấy là biểu hiện của sự nổi lạon trong lòng, Còn đây là hành vi nổi loạn của Mị: Nàng đã cắt dây trói cho A Phủ cũng chính là nàng tự cắt dây trói vô hình trói nàng vào gia đình thống lí Pá-Tra. Rồi cả hai cũng lao chạy xuống dốc núi. Mị đã tự giải thoát khỏi ách áp bức nô lệ của chế độ phong kiến tàn bạo, dã man. Sức sống tiềm tàng trong con người Mị đã trỗi dậy. Tuổi trẻ, sức xuân, tình yêu đã chiến thắng bạo tàn. Khi sắc xuân đã đầy ắp trong vườn thì một bông hạnh chìa ra ngoài tường nở là điều tất nhiên:

Xem thêm:  Em hãy phát biểu cảm nghĩ về mùa xuân ở quê hương mình

“Xuân sắc mãn viên quan bất trú

Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai”

(Du viên bất trị – Chơi vườn không được vào)

Mị và A Phủ đã đi mệt một tháng đường rừng. Họ đến Phiềng Sa và đã thành vợ chồng – vợ chồng A Phủ. Họ tự dựng nhà dựng cửa làm ăn sinh sống ở Phiềng Sa. Họ mơ ước có một gia đình hạnh phúc. Nhưng giặc Pháp lại tràn đến Phiềng Sa. Gia đình A Phủ bị cướp bóc. A Phủ bị giặc Pháp bắt hành hạ. Nhưng A Phủ vẫn chưa hiểu được vì sao anh lại bị giặc Pháp bắt, anh lại “thù cán bộ” vì thằng Tây bảo anh nuôi cán bộ nên mới bắt lợn của anh, đánh đập anh, cắt tóc anh. Được A Châu giác ngộ, vợ chồng A Phủ đã tham gia đội du kích chống Pháp ở Phiềng Sa. Vợ chồng A Phủ đã từ đấu tranh tự phát vươn lên tự giác. A Phu trở thành đội trưởng đội du kích Phiềng Sa. Mị đã giúp việc đắc lực cho A Phủ. từ đấu tranh giải thoát áp bức phong kiến, đến tham gia kháng chiến chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó cũng là hiện thực sâu sắc của quá trình phát triển các dân tộc Tây Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Vợ chồng A Phủ” có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm đã phản ánh trung thực quá trình giác ngộ và vùng dậy của Mị và A Phủ, qua đó phản ánh được sự trưởng thành của các dan tộc Tây Bắc dưới ánh sáng của Đảng. Đồng thời tác phẩm cũng phản ánh được chính sách nhân đạo của Đảng đối với các dân tộc anh em là giải phóng người lao động bị áp bức, bóc lột, giải phóng mọi sức sống đang bị các thế lực thống trị kìm hãm, trói buộc. Chính vì có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc mà truyện “Vợ chồng A Phủ” có sức hấp dẫn và có giá trị bền lâu.

***

Bài số 2:

Một tác phẩm có giá trị là thông qua việc phơi bày chân thực về cuộc sống, số phận của con người, tác phẩm đã lên án, tố cáo các thế lực chà đạp lên quyền sống của con người, đồng cảm với ước mơ, khát vọng chính đáng của con người, trân trọng phẩm chất tốt đẹp của con người và mở ra hướng giải quyết cho con người thoát khỏi tình cảnh hiện tại. Những tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc thể hiện góc nhìn tinh tế và nhạy bén, cũng như tấm lòng của nhà văn hướng về con người và cuộc đời. Thông qua cuộc đời, số phận của Mị và A Phủ, cuộc sống của con người miền núi hiện lên thê thảm, nhưng điều đáng quý trong họ là dù có lúc bị bóc lột, chà đạp thì lòng yêu đời và khát vọng sống vẫn âm ỉ sục sôi, chỉ chờ cơ hội là bùng phát mãnh liệt.

Bức tranh hiện thực trong “Vợ chồng A Phủ” trước hết là bức tranh về cuộc đời tăm tối của người nông dân miền núi khi cách mạng chưa giải phóng. A Phủ và Mị hiện lên thân phận những con người đầy tủi nhục. Họ đều là nạn nhân bi thảm của cái nghèo truyền kiếp, của những món nợ truyền kiếp.

Với Mị, từ đời cha mẹ đã không có bạc để cưới nhau, phải đi vay nặng lãi nhà thống lý Pá Tra mới có thể cưới nhau được. Món nợ ấy theo suốt cuộc đời cha mẹ Mị và mỗi năm cũng chỉ trả được phần lãi là một nương ngô. Mẹ Mị chết, món nợ vẫn còn đó. Mặc dù không muốn, Mị vẫn bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra. Mị trở thành nạn nhân của món nợ truyền kiếp ấy. Cả cuộc đời Mị chỉ là sống và trả cho xong món nợ kia.

Còn với A Phủ, số phận cũng có hơn gì. Vì nghèo đói, cả gia đình A Phủ đã chết trong một nạn dịch. Cũng vì cuộc sống nghèo khổ mà A Phủ mới bị người ta bắt đem bán cho một người Thái ở bản dưới. Chốn về những bản vùng cao mới 10 tuổi, A Phủ đã phải đi làm thuê để kiếm sống. Ngoài cái vòng vía đeo trên cổ, A Phủ không có bạc, không có ruộng. Cho nên mặc dù con gái trong làng vẫn nói: “Đứa nào có được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy mà giàu”, vì A Phủ rất giỏi bẫy hổ, săn bò tót lại biết đúc lưỡi cày…, nhưng A Phủ chẳng thể lấy được vợ. Rồi vì đánh A Sử mà A Phủ bị buộc phải làm người gạt nợ cho nhà thống lý Pá Tra. Ta thấy như A Phủ đã bị buộc phải điểm chỉ bằng cả bàn tay của mình và bức văn tự bán chính cuộc đời của mình, sự sống của mình, hơn thế nữa, còn bán cả cuộc sống của những kiếp con, kiếp cháu mình cho bọn nhà giàu cho bọn nhà giàu để gạt nợ.

Đối với A Phủ cũng vậy, kiếp sống của A Phủ không đáng giá bằng kiếp sống của một con bò. Để “mất một con bò”, A Phủ lại bị thống lý Pá Tra trói đứng vào cột chờ chết. Thông qua cuộc đời và số phận của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã làm nổi bật giá trị tố cáo của tác phẩm bởi chính cuộc đời của Mị và A Phủ trong cái kiếp sống trâu ngựa trong xã hội ấy đã làm một bản cáo trạng hết sức hùng hồn về tội ác của xã hội giai cấp lúc bấy giờ, là nhân chứng sống để phơi bày cái tàn bạo của xã hội mà giai cấp thống trị đè nén, áp bức, chà đạp lên cuộc sống của con người như thời trung cổ. Đồng thời trong mảng đời sống viết về Hồng Ngài những ngày cách mạng chưa được giải phóng còn làm hiện lên những bộ mặt quỷ dữ của bọn thống lý Pá Tra, của bọn quan lang thống quán,. Bọn chúng ngỡ như có thể ăn sống nuốt tươi những con người nghèo khổ như A Phủ và Mị. Chúng ngang nhiên đánh người, bắt người một cách vô tội vạ, cuộc xử kiện của bọn quan lang đối với A Phủ thật rùng rợn…. Tác phẩm đã làm nổi bật những tội ác vô cùng khủng khiếp của chúng để làm đậm lên bức tranh hiện thực, tăm tối của xã hội thực dân phong kiến ở một vùng núi cao.

Viết “Vợ chồng A Phủ“, Tô Hoài đã phản ánh sự vận động của tính cách (từ cam chịu đến vùng đứng lên) của số phận gắn liền với sự vận động của đời sống xã hội để khẳng định quy luật tất yếu: có áp bức, có đấu tranh. Cái logic tất yếu của cuộc đấu tranh ấy là đi từ tự phát đến tự giác. Nhưng Tô Hoài không phản ánh cái quy luật, cái logic tất yếu kia bằng những triết lý khi than mà bằng sự vận động của hình tượng nghệ thuật.

Mị và A Phủ đã bị dồn xuống con đường cùng. A Phủ nếu không được Mị cứu thì chắc đã chết trong cảnh bị trói đứng rồi. Mị cứu A Phủ bằng cả một tấm lòng nhân hậu của mình, bằng niềm cảm thông của những người cùng cảnh ngộ. Mị không nghĩ tới việc bỏ trốn bởi Mị sẵn sàng trói thay vào đó cho đến chết. Nhưng khi cứu được A Phủ, cái bản tính cứng cỏi của mộ cô Mị năm nào đã trỗi dậy mạnh mẽ, cái sức sống tiềm tàng ở cái giây phút bị thử thách quyết liệt nhất đã bật dậy bằng niềm khao khát tự do, thành sức mạnh để Mị vượt qua tất cả những ràng buộc của luật lệ hà khắc mà vùng lên để tự giải phóng mình. Mà chạy theo A Phủ để thoát khỏi cuộc sống tăm tôi suốt bao nhiêu năm Mị đã phải chịu đựng. Bởi thế hành động của Mị đã diễn ra một cách hết sức tự nhiên. Tô Hoài đã chuẩn bị cho hành động này của Mị ngay từ khi cô nói với người cha của mình để không bán cô cho nhà giàu, để cô có thể tự tay mình trồng ngô trả nợ thay cho bố mẹ. Cái sức mạnh ấy ngỡ đã chìm đi, đã lụi tàn nhưng rồi nó được hồi sinh, được lớn lên cùng với sự nhận thức về cuộc sống đầy đau khổ của mình và trở thành hành động trong đêm cứu A Phủ như ta đã thấy.

Cuộc vùng dậy với sức mạnh quật khởi của Mị cũng là cuộc vùng dậy của những người nông dân miền núi khi bị dày xéo một cách tàn khốc. Nhưng họ không chỉ vùng dậy để chống lại cái ác, cái tàn bạo, cái dã man để giải phóng cho riêng mình. Thời đại đã mở cho họ một chân trời tự do, đó là các vùng giải phóng. Cho nên con đường mà Mị và A Phủ đến khu du kích Phiềng Sa hiển nhiên là con đường tất yếu. Nhân vật của Tô Hoài không thể rơi vào cảnh ngộ bế tắc (Tắt đèn của Ngô Tất Tố là một điển hình). Mị và A Phủ đã tự tìm đến khu du kích Phiềng Sa, mới đầu cũng không phải là đi tìm cách mạng nhưng về sau, được giác ngộ bởi phong trào du kích ở Phiềng Sa, bởi “người Đảng”, Mị và A Phủ đã đến với kháng chiến, đến với cách mạng, trở thành những quần chúng tích cực. A Phủ còn trở thành đội trưởng đội du kích tham gia trực tiếp vào cuộc chiến đấu tiêu diệt đồn bản Pe, giải phóng quê hương.

Với cuộc đời và số phận của hai nhân vật Mị và A Phủ, Tô Hoài đã thể hiện một cảm quan nhân đạo hết sức mới mẻ và sâu sắc. Tô Hoài đã trân trọng, nâng niu những con người, những cuộc đời, những số phận đầy đau thương ấy.

Ở nhân vật Mị, người con gái nghèo khổ này mặc dù là nạn nhân của cái nghèo truyền kiếp nhưng Mị vẫn là một bông hoa tươi thắm nhất của núi rừng. Mị chẳng những xinh đẹp mà còn tài hoa. Mị chẳng những có tâm hồn phóng khoáng, có tình yêu mãnh liệt với cuộc sống tự do mà còn là một người có tài thổi sáo, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Dưới ngòi bút của Tô Hoài, Mị còn là cô gái có bản lĩnh, một bản lĩnh gan góc, cứng cỏi. Mị sẵn sàng chọn lấy cái chết để không phải sống nhục, sống đau khổ trong chốn địa ngục trần gian. Khi bị đè nén đến cùng cực, sức sống tiềm tàng của Mị cũng không hề bị lụi tàn. Ngược lại, sức sống ấy càng trở nên mạnh mẽ hơn để giúp Mị giải thoát số phận của mình và sau này đến với kháng chiến. Mị trở thành biểu tượng cho sức sống, cho vẻ đẹp của những người thiếu nữ vùng cao. Tô Hoài đã trân trọng, đã nâng niu trong từng bước đi sự thay đổi trong số phận của người con gái nghèo khổ này.

Với A Phủ cũng vậy, Tô Hoài đã đem đến cho nhân vật này những màu sắc tươi đẹp nhất khi vẽ chân dung cậu bé nghèo khổ đã trở thành người ở gạt nợ một cách hết sức phi lý, cũng chính là người có tấm lòng hào hiệp, là người mà con gái trong lòng ai cũng ao ước: “Đứa nào có A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy mà giàu”. A Phủ được thể hiện một cách đậm nét nhất ở quá trình đến với cách mạng sau này. Nhân vật A Phủ trở thành biểu tượng cho quá trình giác ngộ, cho sự đấu tranh mạnh mẽ của những người nông dân miền núi nói chung. Khắc họa một nhân vật như thế, ngòi bút của Tô Hoài đã thể hiện một tinh thần nhân đạo mới, tinh thần nhân đạo công sản: vừa yêu thương, vừa trân trọng những con người lao động nghèo khổ, lại vừa mở ra cho họ con đường giải phóng. Từ cuộc đời và số phận của hai nhân vật này, nhà văn muốn khẳng định những giá trị lớn lao của cuộc sống mới, cuộc sống kháng chiến đối với cuộc đời của những con người từng chịu bao đau khổ trong xã hội cũ.

Qua cuộc đời, tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân, Tô Hoài đã tố cáo mạnh mẽ hiện thực xã hội miền núi trước cách mạng với chế độ thống trị khắc nghiệt, với những phong tục tập quán đã chà đạp, đè nén, vùi dập con người, cướp đi quyền hạnh phúc của con người, biến mỗi kiếp người trở thành kiếp trâu, kiếp ngựa. Đồng thời tác giả cũng bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc, trân thành trước cuộc đời của những con người có số phận bất hạnh. Tô Hoài còn trân trọng, nâng niu những phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động miền núi ở cả Mị và A Phủ, đó là sự trân trọng sức sống tiềm tàng của cả hai nhân vật này. Đó cũng chính là những giá trị hiện thực và nhân đạo mà tác phẩm mang lại.

Bài số 3:

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đem đến cho văn nghệ sĩ nước ta một cuộc tái sinh nhiệm màu. Các nhà văn, nhà thơ đã đứng lên dưới ngọn cờ cách mạng, với ý thức công dân sâu sắc, tích cực sáng tác phục vụ xã hội mới. Tô Hoài là một trong những nhà văn hiện thực sớm đến với cuộc sống lớn của nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã cùng bộ đội tham gia chiến dịch Tây Bắc giải phóng đồng bào ở ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoàng Liên Sơn. Trước mắt Tô Hoài bây giờ là một thế giới mới với những phong cảnh mới, con người mới, vấn đề xã hội mới. Ngòi bút của ông vươn ra khỏi làng Nghĩa Đô bé nhỏ để hướng đến miêu tả, tái hiện một vùng đất hết sức phong phú và cũng hết sức kì lạ của đất nước: vùng Tây Bắc. Và cũng như nhiều nhà văn, nhà thơ khác, Tô Hoài đã trăn trở “nhận đường” và rèn luyện cho mình một thế giới quan và nhân sinh mới, xác định một phương pháp sáng tác mới phù hợp với thời đại. Kết quả của những chuyến đi và niềm trăn trở nhận đường ấy là tác phẩm Truyện Tây Bắc gồm ba truyện Cứu đất cứu mường, Mường giơnVợ chồng A Phủ.Truyện Tây Bắc chứa đựng giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo thông qua việc miêu tả cuộc đời và số phận của hai nhân vật trung tâm là Mị và A Phủ.

Trong Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài kể về cuộc đời đầy gian truân và đau khổ của hai vợ chồng người Mèo là Mị và A Phủ. Họ vốn là những người nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra; Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ, A Phủ vì dám đánh bại con trai nhà thống lí nên cũng phải làm người ở để đền tội với chủ.

Trong cảnh ngộ tối tăm ấy, họ đã gặp gỡ, đồng cảm và giúp nhau thoát khỏi nhà Pá Tra tìm đến vùng Phiềng Sa. Tại đây họ đã trở thành vợ chồng. Giữa lúc bọn lính Pháp đến đánh phá và cướp bóc ở Phiềng Sa, cán bộ của Đảng đã đến để giúp đồng bào các dân tộc tự bảo vệ cuộc sống của mình. Mị và A Phủ gặp A Châu, một cán bộ của Đảng, kết làm anh em rồi thành đội viên du kích. Nhớ lại thời điểm sáng tác Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài viết: “Câu chuyện Vợ chồng A Phủ của tôi đã xây dựng được bằng mắt thấy tai nghe và cảm nghĩ về những con người và sự việc ấy trong cuộc chiến đấu giải phóng quê hương của các dân tộc thiểu số anh em ở biên giới Tây Bắc của đất nước“. Qua câu nói đó, chúng tôi đã nhận thấy giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm đã được nhà văn Tô Hoài xây dựng một cách có ý thức.

Giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ thể hiện trước hết ở việc trình bày chân thực cuộc sống đau thương, tăm tối đầy bi kịch của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách phong kiến nặng nề và sự bóc lột của thực dân Pháp. Giá trị hiện thực của tác phẩm còn gắn liền với sự tố cáo, vạch trần tội ác của bọn phong kiến (thống lí, thổ li, lang đạo) ở vùng cao.

Hình tượng nhân vật Mị là tượng trưng cho cái đẹp bị vùi dập. Cô gái trẻ xinh đẹp như một bông hoa của núi rừng đó bị A Sử cướp về làm dâu. Trong ngôi nhà giống như một tù ngục đó, Mị suốt ngày “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, số phận của Mị chẳng khác nào số phận của kiếp ngựa trâu vì giá trị của con người không được xem trọng, con người chỉ như một cái máy để làm việc. Thậm chí, Tô Hoài viết ‘‘con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc cả đêm lẫn ngày”. Lẽ ra trong cuộc sống bình thường những người con gái như Mị phải được vui chơi, đi dự hội hè, tìm thấy tình yêu và hạnh phúc cho mình. Nhưng ngược lại, đến ngày Tết, A Sử lại đi chơi với bạn trai, còn Mị thì bị trói đứng trong buồng tối.

Xem thêm:  Hãy giới thiệu và tả một loài hoa đẹp mà em yêu thích - Văn mẫu lớp 2

Cùng chung nghịch cảnh với Mị là A Phủ, nhân vật trung tâm thứ hai của truyện. Nếu Mị là hình tượng tượng trưng cho cái đẹp bị vùi dập thì A Phủ tượng trưng cho sự sống, sức lao động và lòng khao khát tự do của con người bị kìm hãm. A Phủ chạy nhanh như con ngựa, biết đúc lưỡi cày, lưỡi cuốc, cày bừa rất giỏi và săn bò tót rất thành thạo. Lẽ ra con người đó phải được tự do giữa núi rừng để phát huy sức mạnh của mình. Nhưng chỉ vì A Phù bất bình phản ứng, đánh lại A Sử, kẻ đã phá vỡ cuộc vui ngày Tết, mà A Phủ đã bị bắt về làm kẻ nô lệ trong nhà thống lí, ở đây anh phải đi đốt rừng, săn bò tót, bẫy hổ, chăn ngựa quanh năm. Một lần để cho hổ ăn thịt mất một con bò mà A Phủ bị thống lí trói đứng suốt mấy ngày trong góc nhà. Hình tượng A Phủ thể hiện một cuộc sống bị trói buộc, tượng trưng cho sức lao động bị bóc lột và đè nén.

Giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ không chỉ bộc lộ qua việc trình bày chân thực cuộc sống đầy bi kịch của nhân dân miền núi Tây Bắc nói chung, đồng bào dân tộc H’Mông nói riêng mà còn thể hiện qua việc khắc họa những bộ mặt tàn bạo của cha con thống lí Pá Tra và A Sử của bọn lí dịch, quan lại, thống quản. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây nên nỗi khổ của những người dân thấp cổ, bé miệng như Mị và A Phủ. Bộ mặt tàn bạo của chúng không chỉ hiện ra qua những hành động đánh đập dã man đối với kẻ ăn người ở trong nhà mà còn qua những lời nguyền rủa rất thâm hiểm: “đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Có lẽ đó không chỉ là lời nguyền rủa của một hai cá nhân mà còn là lời nguyền rủa của cả một chế độ xã hội. Bao giờ còn chế độ xã hội đó thì vẫn còn những kẻ ác như Pá Tra và những nạn nhân của hắn như Mị và A Phủ.

Xã hội phong kiến Việt Nam vốn đã lạc hậu, nói về nguyên nhân của những bi kịch mà người dân miền núi phải chịu đựng, Tô Hoài cho rằng đứng đằng sau thế lực phong kiến tại chỗ là bóng dáng của quân đội xâm lược phương Tây tràn đến. Trong bức tranh hiện thực của tác phẩm Vợ chồng A Phủ hình ảnh giặc Pháp hiện lên như là chỗ dựa, là thế lực mà bọn phong kiến vùng cao sẵn sàng cấu kết để duy trì ách thống trị của chúng. Người dân Tây Bắc chỉ có thể sống được một cuộc đời ấm no, hạnh phúc khi này chấm dứt được cả hai thế lực trên đây. Vấn đề áp bức giai cấp gắn liền với vấn đề áp bức dân tộc là một nét căn bản tạo nên giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ.

Gắn liền với giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ là giá trị nhân đạo xuất phát từ cái nhìn, tấm lòng, tình thương yêu, nỗi xúc động, của nhà văn Tô Hoài trước số phận cùa Mị và A Phủ trong truyện ngắn này. Nhà văn bày tỏ sự thông cảm với nỗi đau khổ của người phụ nữ bị gả bán như một thứ hàng hóa. Chỗ nào nhà văn miêu tả nỗi đau của Mị là ở chỗ đó ngòi bút của ông cũng run lên vì xúc động. Tô Hoài viết: “Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài thì chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng”. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: “Đời trước ở nhà thống lí Pá Tra có một người trói vợ trong nhà ba ngày, rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Nhờ thế Mị sợ quá, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói xiết lại, đau đứt từng mảnh thịt”. Đọc đến đây ta nhớ lại câu thơ của Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà”.

Đó là nỗi đau của thân xác, còn nỗi đau tinh thần? Trong hoàn cảnh bị trói buộc Mị nghĩ rằng minh đành ngồi trong một nhà tù chật hẹp nhìn qua một lỗ vuông mà trông đợi cho đến bao giờ chết mới thôi. Dù vậy, khát vọng làm người hạnh phúc không bao giờ lụi tàn trong lòng Mị. Nghe tiếng sáo thổi trong rừng, Mị tha thiết nhớ lại những ngày xuân tươi đẹp của mình và tràn trề một lòng ham sống. Ngòi bút nhân đạo của Tô Hoài đã không dửng dưng với khát vọng đó của Mị.

Giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ còn có thể tìm thấy qua việc nhà văn tái hiện quá trình thức tỉnh cách mạng của những người bị áp bức. Như trên đã nói, trong tác phẩm này, chủ đề giải phóng dân tộc gắn liền với chủ đề giải phóng giai cấp nông dân và giải phóng phụ nữ. Mị và A Phủ gặp nhau trong một hoàn cảnh thật éo le, họ là những số phận đang đứng bên bờ vực thẳm. Hai nhân vật ấy đã kháng cự lại cái chết, kháng cự lại số phận để giữ lại cuộc sống. Trong bước đường cùng quẫn, vẻ đẹp của Mị lại hiện ra không chỉ bằng mặt mà cả trong tâm hồn. Điều đó bộc lộ rõ nhất qua thái độ của Mị đối với A Phủ: một thái độ vị tha, cùng gánh chịu khổ đau. Tình yêu của họ đã đến từ việc chia sẻ số phận chung đó. Chính Tô Hoài cũng nhận xét: “Cái biểu hiện cởi trói cho A Phủ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng khoảnh khắc có ý nghĩa quyết định và tồn tại đời đời”. Mị cởi trói cho A Phủ rồi tìm đến khu du kích của làng H’Mông hẻo lánh vùng Phiềng Sa. Được A Châu giác ngộ, họ tham gia đội du kích chống Pháp, trở thành những người tự tin vào sức mạnh của mình. Vợ chồng A Phủ đã từng đấu tranh tự phát vươn đến đấu tranh tự giác, từ những phản ứng có tính chất bản năng đến sự phản kháng có ý thức, nhất là khi nhận ra được nguyên nhân đau khổ của mình và lòng dạ của kẻ thù. Có thể nói, qua hình tượng Mị và A Phủ, Tô Hoài đã xây dựng được những nhân vật có tính cách biến đổi theo quá trình của cách mạng.

Giá trị Vợ chồng A Phủ không tách rời với đường lối cách mạng và chính sách dân tộc Đảng Cộng sản là giải phóng những người lao động bị áp bức bóc lột, giải phóng mọi sức sống và vẻ đẹp bị các thế lực đen tối kìm hãm, trói buộc.

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ là một bước tiến trong việc nhận thức, khám phá hiện thực kháng chiến, đồng thời cũng là một bước tiến trong việc thể hiện chủ nghĩa nhân đạo theo nhân sinh quan cách mạng. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của nó được hòa quyện trong một chất thơ trong sáng, màu sắc dân tộc đậm đà và văn phong giàu tính tạo hình. Với Vợ chồng A Phủ nói riêng, Truyện Tây Bắc nói chung, Tô Hoài đã góp phần đổi mới về đề tài miền núi, thực sự bước vào văn học với những hình ảnh phong phú, tươi đẹp và chân thực. Vợ chồng A Phủ tiên báo những thành tựu tương lai trong sáng tác về đề tài miền núi của một lớp nhà văn sung sức xuất hiện sau Cách mạng tháng tháng Tám như: Nguyễn Ngọc, Nông Quốc Chấn, Ma Văn Kháng, Vi Hồng…

Theo Yeuvan.com

Topics #A Phủ #bố mẹ #cá nhân #Cảm nghĩ #chiến thắng #cơ hội #con bò #con đường #con ngựa #con người #con trâu #cuộc sống #Đất nước #gia đình #hành động #hạnh phúc #khát vọng #lao động #lòng biết ơn #Mị trong đêm tình mùa xuân #mùa xuân #ngày tết #ngày xuân #Ngô Tất Tố #ngôi nhà #nguyễn du #nhà văn Tô Hoài #Nhân vật Mị #Nông Quốc Chấn #phân tích #Phân tích giá trị hiện thực #Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo #Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo #quê hương #tác phẩm Vợ Chồng A Phủ #Tắt đèn #thanh niên #tình yêu #tô hoài #tự tin #Tuổi trẻ #ước mơ #văn học #văn miêu tả #vợ chồng a phủ