Thuyết minh về Hoa sen – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Tuyên Quang

Hoa sen là một loài hoa đẹp, sống dưới nước. Các bộ phận gồm cánh, nhụy và gương hạt đã cấu thành một bông hoa sen có nét đẹp thanh thoát với màu sắc rất tươi sáng mà không phải loại hoa nào cũng có được.

Một trong những đặc tính đáng quý của cây sen đó là, tuy chúng được mọc trong bùn, sống trong bùn nhưng vượt lên khỏi nó để hướng đến mặt trời mà không hề bị bùn làm ô nhiễm, vấy bẩn. Nó luôn tỏa ra một mùi thơm hấp dẫn, tô điểm thêm vẻ đẹp cho cuộc đời

Sen được người Việt xếp vào hang tứ quý: Lan, sen, cúc, mai và xếp vào hàng “tứ quân tử” cùng tùng, trúc, cúc. Sen phát triển tốt nhất ở môi trường có khí hậu nhiệt đới. Từ Bắc vào Nam, nó có mặt khắp mọi nơi, gần gũi và thân thiết với mọi người như cây tre, cây đa… Với khí hậu ở miền Bắc, hoa sen chỉ nở vào mùa hè, thì ở hầu khắp miền Nam quanh năm đâu đâu cũng thấy sen khoe sắc thắm.

Vẻ đẹp của hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính chất dân tộc. Hoa sen không chỉ gần gũi ngoài đời thường mà nó còn đi vào nhiều sáng tác thơ ca. Người Việt đã cảm nhận được ý hay “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, sen sống trong bùn nhưng sen vươn lên trên lầy, toả hương thơm ngát. Sen có một sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ và vô nhiễm đối với môi trường xung quanh. Vì thế nhiều người coi cây sen như chính con người Việt với bản tính thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần “vươn dậy” trong mọi nghịch cảnh.

Hoa sen còn là biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển của Phật pháp. Hoa sen luôn trở thành hình tượng nghệ thuật, gắn liền với nghệ thuật về phật giáo. Chùa Một Cột có hình dáng hoa sen, mọc lên từ hồ nước, chỉ với “một cột” như một cọng sen.

Ngoài việc mang giá trị tinh thần, hoa sen có thể chế biến những thực phẩm bổ dưỡng, những bài thuốc đặc trị. Gương sen hình phễu, nhẹ, xốp, màu đỏ tía, không có mùi, được chế biến thành nhiều loại thuốc để chữa bệnh băng huyết, cao huyết áp,… Hạt sen nhỏ, có màu vàng, vừa là món ăn dân dã quen thuộc, lại là một loại thuốc rất tốt giúp an thần, suy nhược thần kinh. Tâm sen màu xanh, nằm giữa hạt sen, có thể dùng để ướp trà, tạo lên hương vị đặc biệt. Uống lá sen mỗi ngày còn giúp thanh nhiệt. Ngó sen không chỉ là bài thuốc chữa bệnh lại vừa là món ăn quen thuộc của người Việt, trong bữa cơm mà có một bát nộm ngó sen, vừa ngon lại giúp dễ tiêu hóa, khó ai có thể từ chối được. Ngoài ra sen còn được dùng làm mứt sen, chè sen, rất thơm ngon và bổ dưỡng.

Hoa sen mãi mãi là loài hoa thanh khiết đáng quý mà thiên nhiên đã dành tặng cho con người. Hoa sen đã mang đến vẻ đẹp quý phái cho thiên nhiên và cho con người. Sen là món ăn góp phần tạo nét độc đáo trong ẩm thực của người dân Việt. Chúng ta cần phải giữ gìn và bảo vệ loài hoa đáng quý ấy.

Thuyết minh về Hoa sen – Bài làm 2

Mỗi quốc gia có một niềm tự hào riêng. Nếu như Nhật Bản tự hào với hoa anh đào tuyệt đẹp, nước Nga với rặng bạch dương ngút ngàn thì Việt Nam chúng ta có loài hoa sen nhẹ nhàng dịu dàng tỏa hương ngày nắng.

Được biết đến là quốc hoa của Việt Nam, hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp của người Việt. Hoa sen là loài hoa sống trong bùn nên có cấu tạo khá đặc biệt. Rễ sen hay còn gọi là củ sen có cấu tạo hình thon dài gần như hình bầu dục hoặc elip. Củ sen màu trắng do không đón nắng mặt trời nên chúng có màu như vậy. Bên trong củ sen có các khoang lỗ để giúp cho sen có thể sinh trưởng và phát triển trong điều kiện ngập trong bùn và không có không khí. Lên trên cao một chút đến thân sen thì là ngó sen. Ngó sen là phần thân sen còn nằm ở sâu dưới nước. Do ánh sáng mặt trời không thể chiếu xuống mực nước đó nên ngó sen có màu trắng. Khi đến độ cao ánh nắng mặt trời có thể chiếu tới, thân sen bắt đầu chuyển sang màu xanh lục. Thân sen có cấu tạo giống ngó sen, có hình tròn, có gai bao xung quanh, bên trong cũng có các khoang lỗ dẫn nước và chất dinh dưỡng, ngoài ra, thân sen còn chứa lượng tơ sen cao. Bây giờ là đến bộ phận quan trọng nhất làm nên vẻ đẹp của sen đó là lá và hoa. Lá sen hình tròn to. Phiến lá mỏng, gân lá từ tâm ra so le nhau. Lá sen có màu xanh giống như màu thân. Điểm đặc biệt là lá sen có hương thơm đặc biệt. Mùi hương thanh tao tao nhã, mát lạnh. Hoa sen là bộ phận đẹp nhất của sen. Hoa sen tùy giống sẽ có màu khác nhau nhưng cấu tạo của chúng thì giống nhau. Thông thường sẽ có hai màu chủ đạo là trắng và đỏ hồng. Hoa sen có nhiều cánh, cánh hoa sen có cấu tạo giống với hình giọt nước. Từng cánh hoa xếp khít so le nhau tạo ra bông hoa có hình giọt nước nhiều chiều khi còn là nụ hoa chưa nở. Khi nở ra rồi, hoa sen lộ ra nhụy vàng trong mình nó. Cánh hoa sen nở đều, tỏa trong và rộng. Phấn nhụy hoa vàng tạo nên điểm nhấn cho hoa. Nhụy vàng bông trắng lá xanh dưới nắng ngày hè đã trở thành một bức tranh tuyệt diệu. Hoa sen cũng có mùi hương giống lá sen. Mùi hương nhẹ nhàng mà dễ in sâu vào tâm trí con người. Mùi hương phả vào trong gió đưa đi khiến ai đi qua cũng muốn nán lại để tận hưởng cái mùi hương ấy. Khi hoa tàn, cánh hoa rụng xuống để lại nhụy hoa một mình. Nhụy hoa dần lớn lên theo thời gian. Nếu như lúc trước được cánh hoa e ấp bảo vệ. chúng có màu vàng thì nay khi một mình lớn lên, chúng có màu xanh hệt như màu của lá. Bây giờ chúng có một cái tên mới là bát sen. 

Sen là loài cây mà bộ phận nào cũng có thể sử dụng cho cuộc sống của con người. Củ sen và ngó sen, bát sen là thức ăn rất tốt cho sức khỏe của con người, chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của con người. Lá sen phơi khô nghiền nhỏ làm trà giải nhiệt rất tốt cho sức khỏe. Thân sen có thể được khai thác để sản xuất tơ sợi. Tuy nhiên tơ sen muốn sản xuất được phải có mộ chi phí lớn nên hiện nay nó vẫn chưa phổ biến. Ở miền Bắc, sen chỉ nở vào mùa hè. Nhưng ở miền Nam, sen nở quanh năm. Trên khắp mọi miền của tổ quốc đến đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh hoa sen. Nhiều sen nhất là ở vùng Đồng Tháp Mười. Hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp của người Việt Nam. Vẻ đẹp của sen tượng trưng cho sự tao nhã, tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính dân tộc. Bởi vậy mà sen luôn là cảm hứng bất tận của nghệ thuật. Sen sống trong bùn, bắt nguồn từ bùn nhưng vươn lên ra khỏi đất lầy tỏa hương thơm mạnh mẽ. Nó tượng trưng cho bản tính thân thiện, phong thái tao nhã, ý chí vượt lên trên mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện. trong các công trình Phật giáo ở Việt Nam luôn xuất hiện hình ảnh bông sen. Có lẽ không ai là không biết đến những tác phẩm nghệ thuật có hình ảnh của sen. Những bài ca dao, những điệu múa, những bức tranh… Tất cả cũng đủ cho thấy vẻ đẹp của sen trong lòng mỗi người dân Việt. Sen thanh cao, sen thuần khiết, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Có thể thấy, sen đã là hình tượng đẹp không thể xóa nhòa trong lòng người Việt.  

Xem thêm:  Tả về ông của em - Văn mẫu lớp 2

Hoa sen – quốc hoa của Việt Nam. Với vẻ đẹp thanh khiết, hoa sen mang hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.:

"Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"

Thuyết minh về Hoa sen – Bài làm 3

Hoa sen là một lọai hoa thanh khiết và có truyền thống lâu đời nhất ở phương Đông. Đây là một lòai thực vật sống dưới nước có nguồn gốc Á Châu và chiếm giữ một vị trí cổ xưa trong tất cả nền văn hóa đặc biệt của phật giáo. Những cánh, nhụy và gương hạt đã cấu thành một bông hoa sen có nét đẹp thanh thóat và màu tươi sáng.

Hoa sen mọc trong bùn, sống trong bùn nhưng vượt lên khỏi nó để hướng đến mặt trời mà không hề bị bùn làm ô nhiễm, vấy bẩn. Cũng giống như một người được sinh ra trên thế giới, tồn tại giữa cuộc đời nhưng đã vượt thoát khỏi sự tham lam, sâu hận, dục vọng và không bị vấy bẩn, ô nhiễm bởi dòng đời.

Ở Việt Nam, sen được xếp vào bộ tứ quý (4 mùa): Lan, sen, cúc, mai và xếp vào hàng “tứ quân tử” cùng tùng, trúc, cúc. Hoa sen rất thích hợp với môi trường có khí hậu nhiệt đới như nước ta. Từ Bắc vào Nam, nó có mặt khắp mọi nơi, gần gũi và thân thiết với mọi người như cây tre, cây đa… Nếu ở miền Bắc, hoa sen chỉ nở vào mùa hè, thì ở hầu khắp miền Nam quanh năm đâu đâu cũng thấy sen khoe sắc thắm, Làng quê nơi Bác sinh ra cũng có tên là Làng Sen, và có lẽ hoa sen đẹp nhất khi được ví với hình tượng Bác Hồ, người cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta:

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Trong lòng mỗi người dân Việt, sen là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính chất dân tộc. Chính vì thế, hoa sen luôn là nguồn cảm hứng bất tuyệt của thi ca và nghệ thuật… Có lẽ, không người Việt Nam nào không thuộc bài ca dao đầy tính triết lý này:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng

Nhuỵ vàng bông trắng là xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Người Việt đã cảm nhận được ý hay “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, sen sống trong bùn nhưng sen vươn lên trên lầy, toả hương thơm ngát. Sen có một sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ và tự tính của sen là tinh khiết, vô nhiễm. Nó tượng trưng cho bản tính thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần “vươn dậy” trong mọi nghịch cảnh của con người Việt Nam.

Đặc biệt trong tư tưởng Phật giáo, hoa sen được tôn quý và chiếm vị trí rất quan trọng. Tinh thần “cư trần bất nhiễm trần”, đó cũng chính là ý nghĩa của hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển của Phật pháp, trí tuệ dẫn đến niết bàn. Trong các công trình kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam, sen luôn trở thành hình tượng nghệ thuật. Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu lấy cảm hứng từ hoa sen là chùa Một Cột. Theo truyền thuyết, ngôi chùa này được hình thành từ một giấc mộng đài sen của vua Lý Thái Tông. Chùa có hình dáng hoa sen, mọc lên từ hồ nước, chỉ với “một cột” như một cọng sen. Ở đây, hoa sen là sự giác ngộ, đạt được sự trong sáng và giải thoát khỏi bùn nhơ…

Giản dị, tao nhã và thuần khiết, sen là hiện thân cho tính cách, lối sống và tâm hồn người Việt. Sen còn là món quà vô giá từ thiên nhiên, bởi từ sen có thể chế biến những thực phẩm bổ dưỡng, những bài thuốc đặc trị. Gương sen hình phễu, nhẹ, xốp, màu đỏ tía, không có mùi, có tác dụng cầm máu rất hiệu quả lên được chế biến thành nhiều loại thuốc để chữa bệnh băng huyết, cao huyết áp,… Hạt sen nhỏ, có màu vàng, vừa là món ăn dân dã quen thuộc, lại là một loại thuốc rất tốt dành để chữa bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh. Tâm sen màu xanh, nằm giữa hạt sen, có thể dùng để ướp trà, tạo lên hương vị thơm dịu. Lá sen khô nghiền vụn và lá sen tươi, tất cả đều thái nhỏ, hoà với nước uống mỗi ngày còn giúp thanh nhiệt. Ngó sen vừa là một loại thuốc chữa các bệnh về gan, lại vừa là món ăn quen thuộc của người Việt, trong bữa cơm mà có một bát nộm ngó sen, vừa ngon lại giúp dễ tiêu hóa, khó ai có thể từ chối được. Ngày xuân, nhà ai cũng đều có một hộp mứt sen đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với trầu cau, nước trà mang lại một không khí ấm áp mà thân thương, vui vẻ mà lịch sự. Nhớ hồi bé, ngày hè, mẹ thường nấu cho bát chè sen với đường, vừa thơm, ngọt lại mát, đi chơi cả ngày nhưng vẫn yên tâm không sợ bị ốm. Hoa sen đúng là loại hoa mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước chúng ta, một loại hoa mạng đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Hãng hàng không Vietnam-airline đã chọn hình ảnh bông sen sáu cánh làm biểu tượng của mình sau bao thời gian chắt lọ, suy nghĩ. Phải chăng đó cũng là biểu tượng mà người Việt Nam muốn cho bạn bè quốc tế trên khắp năm châu được biết đến. Đóa sen hồng giờ đã được nâng lên không trung, bay đến với khắp mọi nơi trên thế giới, mang niềm vui đoàn tụ, hạnh phúc, hòa bình và đã giúp khoảng cách giữa người và người, giữa các cộng đồng trên thế giới được xích lại gần nhau. Trong mắt của bạn bè thế giới, hình ảnh của bông sen sẽ in đậm và động lại trong tư tưởng của mọi người về một đất nước anh hùng, bất khuất dù phải trải qua bao cuộc bể dâu, bao trận chiến tang thương, khốc liệt nhưng giờ đây vẫn vững bước đi lên hội nhập với thế giới. Và rồi đây, tôi lại thầm cảm ơn, cảm ơn đóa sen mang tên “Việt Nam” đã tỏa hương thơm ngát.

Dù thời gian đang hằn những bước chân vào tạo hóa nhưng tôi tin bông hoa sen dù có trải qua bao cuộc đổi thay vẫn sẽ giữ được vẻ đẹp thanh khiết, mùi hương dịu dàng giống như con người Việt Nam vẫn luôn vươn lên để tỏa sáng như đóa sen vươn mình đón nắng mai nơi bùn đất. Và rồi một ngày, sắc sen rạng rỡ giữa cuộc sống mến thương.

“Sen vẫn thế, âm thầm và lặng lẽ

Rồi một mai, bừng sáng giữa khung trời

Từ sâu thẳm chốn bùn lầy đất mẹ

Ngát hương sen, nét đẹp chẳng phai phôi”

Sen thơm, hương lại hữu sắc. Dù trong hoàn cảnh nào sen cũng hàm chứa trong nó sự tinh tế, thuần khiết, cao đẹp. Nó thật sự là biểu trưng tiêu biểu nhất cho văn hoá và cốt cách nhân văn của người Việt Nam.

Xem thêm:  Tìm và phân tích nội dung nghị luận trong văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh

Thuyết minh về Hoa sen – Bài làm 4

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Bài ca dao về hoa sen gợi biết bao niềm yêu mến và tự hào về loài hoa hương đồng gió nội. Nhắc đến hoa sen là nhắc đến một loài hoa đẹp đẽ, thánh thiện, hoàn toàn thoát tục; một loài hoa trở thành biểu tượng cho tâm hồn và nhân phẩm Việt Nam.

Hoa sen là một trong những loài hoa truyền thống lâu đời nhất ở phương Đông. Đây là loài thực vật sống dưới nước có nguồn gốc Á châu và chiếm giữ một vị trí cổ xưa trong tất cả nền văn hóa, đặc biệt là của Phật giáo. Ta biết rằng nhắc đến Phật giáo là nhắc đến hình ảnh Phật ngồi trên đài sen thơm ngát. Phật giáo đã có hơn hai nghìn năm trăm năm, vậy ắt hẳn tuổi của loài sen còn nhiều hơn thế.

Một bông hoa sen ngắm lần lượt từ ngoài vào trong ta sẽ thấy "bông trắng, nhị vàng". Cánh hoa sen rất giống với hình trái tim, đáy tim hướng lên trên. Một bông sen có nhiều lớp cánh xếp lớp vào nhau; đến khi nở cũng ngần ấy cánh hoa xoè ra khoe sắc. Cánh hoa sen có thể có màu hồng hoặc trắng. Bên trong cánh sen là nhị sen màu vàng tươi rất nổi bật. Khi sen đã già, nhị đã tàn có thể thấy rõ bát sen với những hạt sen lớn bằng đầu ngón tay. Toàn bộ bông sen được đỡ bằng một cuống hoa dài và đưa sen mọc khỏi trên mặt nước. Thân sen được cấu tạo rất đặc biệt. Bẻ đôi thân sen sẽ thấy hai nửa thân còn được nối với nhau bằng những sợi tơ dài. Chính đặc điểm đó của sen đã gợi hứng để đại thi hào Nguyễn Du viết nên câu thơ tuyệt bút: "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng". Bởi vậy, sen còn là biểu tượng của lòng thuỷ chung son sắt. Lá sen có hình tròn, rất rộng và có màu xanh. Mặt lá có một lớp nhung trắng, khi ánh nắng chiếu vào, lớp nhung trắng ấy óng ánh li ti mờ ảo rất đẹp. Hoa sen, lá sen, thân sen được nuôi sống bởi củ sen nằm sâu dưới lòng bùn. Hoa sen mọc trong bùn, sống trong bùn nhưng vượt lên khỏi nó để hướng đến mặt trời mà không hề bị bùn làm ô nhiễm, vấy bẩn. Thật đúng như lời ca dao: "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Trong bức tranh làng quê Việt Nam, sẽ thật thiếu sót nếu thiếu đi hình ảnh đầm sen bát ngát, mênh mông. Có điều ấy bởi từ Bắc vào Nam, sen có mặt khắp mọi nơi, gắn bó rất mật thiết với đời sống con người Việt Nam như cây tre, cây đa… vậy. Mùa hạ đến giữa cái nóng như thiêu như đốt, đi làm đồng hay đang trên đường đi xa, người ta chỉ ao ước đến gần một đầm sen. Hương sen thơm ngát, mát lành thoảng qua làm dịu đi cái nóng nực, oi nồng. Thêm nữa, nhìn hình ảnh đầm sen rờn sóng, lá sen lấp loáng, hoa sen lung linh, chỉ vậy thôi đã như cảnh tiên khiến người ta quên cả mệt mỏi. Vài cậu bé con tinh nghịch ngắt chiếc lá sen che lên đầu làm nón, ngất ngưởng ngồi lên lưng trâu đi về đường làng, hình ảnh ấy cũng thật nên thơ nên hoạ. Không chỉ vậy, nhắc đến hoa sen còn là nhắc đến một loài hoa quý. Ở Việt Nam, sen được xếp vào bộ tứ quý bốn mùa: Lan, sen, cúc, mai và xếp vào hàng tứ quân tử" cùng tùng, trúc, cúc, mai. Hoa sen được dùng để làm đẹp cho những ngôi nhà đơn sơ, giản dị của người nông dân Việt Nam đồng thời làm sang cho những khu vườn kim chi ngọc diệp. Bên cạnh đó, sen còn là một món ăn rất ngon và bổ. Củ và ngó sen sau khi rửa sạch liền trở thành món ăn mát lành, một món đặc sản chốn đồng quê. Hạt sen cũng được dùng làm món ăn, vị thuốc công hiệu. Đặc biệt, nhị sen còn được dùng để ướp trà tạo nên thức trà sen nức tiếng. Sáng sớm, khi trời còn tinh sương, người ướp trà phải chèo thuyền ra hồ thả từng lá trà vào giữa bông sen rồi buộc nhẹ bông sen lại để chè được ngấm cái hương vị thơm lành của sen. Cầu kì hơn, có người còn đi thâu từng hạt sương đọng trên cánh hoa sen, lá sen đề làm nước hãm trà… Vậy mới biết, sen được con người yêu thích đến nhường nào!

Khi mùa hạ qua đi, sen dần tàn lụi. Sen chỉ thích hợp với môi trường có khí hậu ấm nóng bởi vậy khi thu đến đông về, sen tạm thu mình xuống lớp bùn lạnh để chờ xuân sang vươn chồi non biếc và mùa hè đến thì xoè hoa, khoe lá. Nếu ở miền Bắc, hoa sen chỉ nở vào mùa hè, thì ở hầu khắp miền Nam quanh năm đâu đâu cũng thấy sen khoe sắc thắm. Làng quê nơi Bác sinh ra cũng có tên là Làng Sen, và có lẽ hoa sen đẹp nhất khi được ví với hình tượng Bác Hồ, người cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta: Tháp Mười đẹp nhất bông sen Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Không chỉ có những giá trị thực dụng, sen còn thể hiện những ý nghĩa sâu sắc giàu tính triết lí. Sen sống trong bùn nhưng vẫn vươn lên trên lầy, toả hương thơm ngát. Sen có một sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ và tự tính của sen là tinh khiết, thanh thoát. Nó tượng trưng cho bản tính thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần "vươn dậy" trong mọi nghịch cảnh của con người Việt Nam. Đặc biệt trong tư tưởng Phật giáo, hoa sen được tôn quý và chiếm vị trí rất quan trọng bởi tôn giáo này quan niệm rằng bản thân bông sen đã thể hiện tinh thần "cư trần bất nhiễm trần" – ý nghĩa ấy biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện,… Trong Phật giáo, phật tổ Thích Ca được sinh ra từ đóa sen vàng. Trong các công trình kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam, sen luôn trở thành hình tượng nghệ thuật. Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu lấy cảm hứng từ hoa sen là chùa Một Cột. Theo truyền thuyết, ngôi chùa này được hình thành từ một giấc mộng đài sen của một vị vua triều Lí. Chùa có hình dáng hoa sen, mọc lên từ hồ nước, chỉ với "một cột" như một cọng sen. Tại đất nước Ai Cập, bông sen cũng được tôn thờ vì sự thanh khiết và thánh thiện. Đây là loài hoa duy nhất nở được trên dòng sông Nin huyền thoại bởi dòng chảy ở đây rất mạnh, các loài hoa khác đều bị vùi dập bởi sông nước nhưng riêng hoa sen thì khác, hoa sen có thể đâm chồi, nảy lộc và đem lại vẻ đẹp không gì sánh bằng cho con sông giàu màu sắc thần bí này.

Hãng hàng không quốc gia của Việt Nam, Vietnam-airline, đã chọn hình ảnh bông sen sáu cánh làm biểu tượng của mình sau bao thời gian chắt lọc, suy nghĩ. Đó cũng là biểu tượng mà người Việt Nam muốn cho bạn bè quốc tế trên khắp năm châu được biết đến. Đóa sen hồng giờ đã được nâng lên không trung, bay đến với khắp mọi nơi trên thế giới, mang niềm vui đoàn tụ, hạnh phúc, hòa bình và đã giúp khoảng cách giữa người và người, giữa các cộng đồng trên thế giới được xích lại gần nhau. Trong mắt của bạn bè thế giới, hình ảnh của bông sen sẽ in đậm và đọng lại trong tư tưởng của mọi người về một đất nước anh hùng, bất khuất dù phải trải qua bao cuộc bể dâu, bao trận chiến tang thương, khốc liệt nhưng giờ đây vẫn vững bước đi lên hội nhập với thế giới.

Xem thêm:  Nghị luận về vấn đề bạo lực học đường trong thời gian qua

Thuyết minh về Hoa sen – Bài làm 5

Có thể nói hoa sen từ lâu đã gắn với văn hoá tinh thần của người Việt. Hoa sen được ví đẹp như những người thiếu nữ Việt Nam, tượng trưng cho sự thanh cao giàu sức sống, biểu tượng của vẻ đẹp chân thực, giản dị, mộc mạc: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Trong đầm gì đẹp bằng sen

 Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Là người Việt Nam, hẳn ai cũng biết về bài ca dao trên và loài hoa quen thuộc được nói tới trong bài, một loài hoa đồng nội mộc mạc, giản dị, sống trong bùn lầy hôi tanh mà vẫn toả hương khoe sắc. Đó là hoa sen.

Nói đến hoa sen, ai cũng nhớ tới một loài hoa mộc mạc trong đầm, lá to, tròn nổi trên mặt nước. Thân và cuống của hoa đềụ có màu xanh. Búp sen có màu xanh lục, hình bầu dục. Khi nở, hoa sen màu hồng thắm, xen chút màu trắng. Nhị và nhuỵ sen màu vàng được gói kín bên trong toả hương thơm ngát. Đài sen nở to khi lá và nhị rụng còn trơ lại và phát triển thành bát sen.

Vào mùa hạt, chưa đi đến đầu làng, còn bước chân trên con đường cát sỏi bỏng rát, ta đã ngửi thấy hương thơm ngào ngạt của hoa sen bay trong gió quyện trong mùi lúa nếp thơm nồng như giục giã bước chân ai nhanh về quê mẹ. Những ngày rằm, mồng một hàng tháng, mùa hè sen được bán đắt hàng nhất trong các hàng hoa vì ai cũng hiểu sen tượng trựng cho tấm lòng thơm thảo, bình dị, mộc mạc của con cháu kính dâng lên tổ tiên, ông bà. Hương trầm quện trong hương sen gợi nhớ về cõi linh thiêng, đẹp nhất. Cuối hạ những bông sen tàn trơ lại bát sen xanh to bằng bát cơm với những hạt sen già mẩy căng tròn. Mỗi bộ phận của sen đều có những công dụng hữu ích giúp cho con người. Hoa sen rất thơm dùng để ướp trà. Nếu bạn là người thích uống trà thì bạn không thể bỏ qua món chè sen (chè được ướp hương sen bằng cách cho chè vào hoa sen và buộc lại để qua đêm, hay cho nhị sen pha lẫn với chè). Nó vừa thơm vừa đậm đà uống xong rất sảng khoái. Chè tâm sen (phần phôi xanh trong hạt sen) còn có tác dụng chữa bệnh mất ngủ rất tốt.

Hạt sen có thể ăn lúc non vừa ngọt vừa thơm, là món quà vặt của trẻ con thôn quê. Hạt sen già được các bà mẹ khéo tay nội trợ chế biến thành những món đặc sản nổi tiếng: chè sen (nấu nhừ hạt sen rồi thả vào nồi bột sắn trong suốt) ăn vừa mát vừa bổ. Món mọc trong cỗ bàn chính là cách ninh nhừ hạt sen trong nồi xương lợn, thả những viên mọc nấm hương vào lẫn tạo nên hương vị béo thơm thật hấp dẫn. Trước đây món này chỉ dành cho vua chúa, quý tộc… mới được dùng.

Nếu bạn đi qua cánh đồng chỉ ngửi thấy mùi thơm của hoa sen thì với tôi hương thơm ấy lại gợi về những kỷ niệm bên gia đình bè bạn với hương vị của cốm làng Vòng dẻo thơm bọc trong những lá sen to mát dịu. Những ngày hè nóng bức lá sen đội đầu thay thế cho những chiếc nón, mũ quả là tuyệt diệu. Bọn trẻ chăn trâu coi đây là thú vui nhất khi đua nhau ngụp lận dưới đầm để mò ngó sen (phần thân và củ sen nằm sâu dưới bùn nước).

Có thể nói hoa sen từ lâu đã gắn với văn hoá tinh thần của người Việt. Hoa sen được ví đẹp như những người thiếu nữ Việt Nam, tượng trưng cho sự thanh cao giàu sức sống, biểu tượng của vẻ đẹp chân thực, giản dị, mộc mạc: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Hình tượng đó đã đi vào ca dao thơ ca, lấy sen làm vẻ đẹp để tôn vinh so sánh với Bác Hồ.

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Sen còn là hoạ tiết chính trong các đồ vật trang trí trong các công trình văn hoá cổ, trong các bức tranh dân gian, các đồ vật trang nghiêm ở thủ đô Hà Nội. Chùa Một Cột nằm giữa hồ sen đã minh chứng cho sự quan trọng của hoa sen với đời sống của dân tộc ta. Và đặc biệt có cuộc thi đã lấy giải mang tên biểu tượng Bông sen vàng.

Có thể nói hoa sen là loài hoa đẹp, có nhiều lợi ích gắn bó với dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Vì vậy cứ nghĩ đến làng quê Việt Nam chúng ta lại nhớ đến hình ảnh bông sen nổi lên trên mặt nước, toả mùi hương thơm ngát… Một loài hoa đẹp, cao quý của đất nước Việt Nam.

Thuyết minh về Hoa sen – Bài làm 6

Có lẽ đối với bất kì người Việt Nam nào thì bài ca dao này cũng thật quen thuộc:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng

Nhuỵ vàng bông trắng là xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Không biết từ bao giờ, hoa sen đã trở thành một hình ảnh đặc trưng của làng quê, con người Việt Nam.

Trong lòng mỗi người con đất Việt, sen là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết. Hoa sen đẹp giản dị, dân dã như tâm hồn của làng quê Việt Nam. Từ Bắc vào Nam, đâu đâu ta cũng thấy bông sen với cánh hoa hồng đào đang ông ấp nhị hoa vàng tươi, tỏa hương ngan ngát, nổi bật trên nền lá xanh mướt. Hỏi nơi đâu có hoa sen đẹp hơn cả, thì chắc có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến Đồng Tháp Mười:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Nhưng dù ở nơi đâu, sen vẫn luôn giữ cho mình vẻ đẹp thanh cao, hay “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Không để hoàn cảnh sống lấn át bản chất vốn có của mình, sen vươn lên mạnh mẽ, tinh khiết. Có lẽ bởi thế mà trong Phật giáo, sen cũng chiếm một vị trí quan trọng. Đến với bất cứ ngôi chùa nào, ta cũng sẽ nhìn thấy bức tượng Phật ngồi thanh tịnh trong tư thế thiền trên một bông hoa sen khổng lồ. Chùa Một Cột chính là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được lấy cảm hứng từ những bông hoa sen. Chùa có hình dáng như một bông hoa sen, mọc lên từ hồ nước vuông vắn, chỉ với “một cột” – một cọng sen. Truyền thuyết kể rằng, từ một giấc mộng đài sen của vua Lý Thái Tông, ngôi chùa đã được xây dựng và hình thành, tồn tại cho đến ngày nay.

Trong cuộc sống hàng ngày, hoa sen cũng rất gần gũi, thân thuộc với người dân Việt Nam. Ta có thể sử dụng hoa sen với nhiều mục đích khác nhau: hương sen dùng để ướp chè, ngó sen dùng để làm món ăn, lá sen dùng để gói bánh, gói cốm… Trên các chuyến bay của Hãng hàng không Việt Nam, ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh bông hoa sen vàng sáu cánh như một biểu tượng của đất nước.

Sen đẹp thanh cao nhưng lại rất đỗi gần gũi với đời thường. Dẫu hoàn cảnh sống có thế nào thì sen vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của chính mình. Bởi thế, sen đã trở thành một biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Topics #Cảm nhận #con đường #con người #cuộc sống #đầm sen #Đất nước #hiện nay #hoa hồng #hoa sen #học sinh #lối sống #nguyễn du #suy nghĩ #Thanh Tịnh #thời gian #thuyết minh #Thuyết minh về hoa sen #văn thuyết minh